Trước đó, tại hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước được tổ chức cuối tháng 2/2025, lãnh đạo Chính phủ chia sẻ câu chuyện của bản thân khi mới ra trường phải đi thuê nhà, sau đó, mua được căn nhà 12 m2, tăng lên 16 m2, 30 m2, 60 m2 và chỉ đạo phải ưu tiên nhà ở xã hội trước rồi mới đến nhà ở thương mại.
"Nút thắt" về nguồn cung, thị trường phát triển lệch pha
Theo đánh giá của ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, thị trường bất động sản năm 2025 vẫn còn nhiều khó khăn bởi ba tồn tại, khó khăn lớn cần phải tháo gỡ. Nhờ đó, đây sẽ là năm bản lề để chuyển sang giai đoạn phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững từ năm 2026 trở đi.
Theo đó, thị trường vẫn đang rất thiếu nguồn cung sản phẩm nhà ở do thiếu nguồn cung dự án chủ yếu do có đến hàng trăm dự án bất động sản, nhà ở bị vướng mắc pháp lý, điển hình là TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2015-2023 có 86 dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị ngừng triển khai hoặc chưa triển khai thực hiện với quy mô sử dụng đất lên đến 964 ha và 54.051 căn hộ.
"Nếu tính cả giai đoạn trước năm 2015 thì có khoảng 220 dự án bị vướng mắc pháp lý, trong đó mới có 77 dự án đã được xử lý, đạt 35% và còn 143 dự án đang tiếp tục xử lý, gây lãng phí rất lớn về nguồn lực đất đai và nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp, làm thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, khách hàng" - lãnh đạo HoREA nêu rõ.
Bên cạnh đó, từ năm 2020 đến nay, thị trường bất động sản tại một số đô thị lớn bị lệch pha về phân khúc nhà ở cao cấp, nhưng lại rất thiếu nhà ở thương mại giá vừa túi tiền và nhất là rất thiếu nhà ở xã hội.
![]() |
Nguồn: HoREA. |
Nhà ở vừa túi tiền biến mất "Trong đó, nhà ở giá vừa túi tiền năm 2020 chỉ chiếm 1% trong tổng số nhà ở thuộc các dự án đủ điều kiện huy động vốn, nhưng từ năm 2021-2024 thì không còn nhà ở giá vừa túi tiền. Ngược lại, tỷ lệ nhà ở cao cấp liên tục chiếm từ 70% trở lên và năm 2024, 100% nhà ở đưa ra thị trường là nhà ở cao cấp" - lãnh đạo HoREA chỉ rõ bất cập. |
Điển hình tại TP. Hồ Chí Minh, nguồn cung nhà ở thương mại thuộc các dự án đủ điều kiện huy động vốn liên tục sụt giảm từ năm 2018 đến nay.
Cùng với đó, kết quả phát triển nhà ở xã hội tại TP. Hồ Chí Minh rất khiêm tốn, đến năm 2024 mới thực hiện khoảng 6.000 căn hộ, đạt 8,6% kế hoạch và trong cả nước mới hoàn thành 57.652 căn hộ nhà ở xã hội, đạt 5,7% kế hoạch trong giai đoạn 2021-2030.
Ngoài những yếu tố nêu trên, giá nhà tăng liên tục và neo giá cao, vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang ngày càng khó tạo lập nhà ở.
Công khai lãi suất vay ưu đãi
Theo Hiệp hội, nhà giá rẻ (low-cost housing) bao gồm 2 loại nhà, một là “nhà ở xã hội” và hai là “nhà ở thương mại giá rẻ” để đáp ứng nhu cầu nhà ở của đa số người dân có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ các lực lượng vũ trang nhân dân và người nhập cư.
![]() |
HoREA đề xuất 10 giải pháp, hạ lãi suất cho vay nhà ở xã hội để xoay chuyển thị trường. Ảnh tư liệu. |
Để thúc đẩy phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030 và tiếp tục phát triển nhà ở xã hội sau năm 2030, vừa đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa xoay chuyển cục diện để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Hiệp hội đề xuất 10 giải pháp.
Đưa ra đề xuất ưu đãi lãi suất, trong giải pháp 4, HoREA nhấn mạnh, cần thực thi chính sách đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay vốn với lãi suất ưu đãi.
Theo đó, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bãi bỏ khoản 3 Điều 77 Nghị định 100/2024/NĐ-CP ngày 26/7/2024 hướng dẫn Luật Nhà ở 2023.
Nhờ đó, cho phép Ngân hàng chính sách xã hội được cho vay ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, cá nhân xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở để cho thuê, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và không còn xảy ra xung đột pháp luật với Điều 25, Điều 26 và khoản 3 Điều 71 Nghị định 100/2024/NĐ-CP.
Hiệp hội cũng đề nghị Ngân hàng Phát triển Việt Nam công bố điều kiện vay vốn, mức vốn vay, thời hạn vay, lãi suất vay, bảo đảm tiền vay và các nội dung khác có liên quan đối với khoản vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định hiện hành của pháp luật về tín dụng đầu tư của Nhà nước, để các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
"Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản hướng dẫn 9 ngân hàng thương mại thực hiện cơ chế lãi suất vay thương mại hợp lý theo cơ chế lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường trong từng thời kỳ và công bố công khai lãi suất vay trung dài hạn VND bình quân này đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội" - Hiệp hội đề nghị.
Việc ưu đãi lãi suất thấp hơn 1,5-2% nhằm phát huy hiệu quả chương trình tín dụng 145.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương cần tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để có thêm nhiều dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay vốn theo chương trình tín dụng 145.000 tỷ đồng./.
Không còn vênh lãi suất ưu đãi Trong giải pháp 5, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng và NHNN trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định lãi suất cho vay người mua, thuê mua nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi bằng với lãi suất cho vay đối với hộ nghèo là 4,7%/năm để mua, thuê mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng chính sách xã hội quy định tại khoản 4 Điều 48 Nghị định số 100/2024/NĐ-CP. Khi đó, không còn xảy ra tình trạng tại cùng thời điểm năm 2025 có 2 mức lãi suất ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội rất chênh lệch nhau. |