Hội thảo nhằm tập trung gia tăng nhận thức trong các vấn đề quản trị phát triển bền vững gắn với quản trị biến đổi khí hậu, đồng thời chia sẻ về những thay đổi trong vai trò và yêu cầu của các nhà đầu tư, tạo dựng một lộ trình khả thi nhằm xây dựng một doanh nghiệp (DN) bền vững theo các thông lệ tốt của quốc tế.

Sự kiện có sự tham gia của lãnh đạo cấp cao Deloitte Việt Nam, các thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc điều hành và ban điều hành các DN lớn, các quỹ đầu tư, các nhà tư vấn trong lĩnh vực về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Hội thảo thu hút nhiều diễn giả, chuyên gia tài chính, môi trường trong và ngoài nước tham dự. Ảnh Đỗ Doãn
Hội thảo thu hút nhiều diễn giả, chuyên gia tài chính, môi trường trong và ngoài nước tham dự. Ảnh Đỗ Doãn

Trách nhiệm của doanh nghiệp

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Chí Dũng – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho biết, đây là hội thảo đầu tiên gắn câu chuyện phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu với tư duy lãnh đạo và quản trị công ty tốt.

Qua hội thảo này, các nhà lãnh đạo DN cả hai cấp hội đồng quản trị và ban điều hành có cơ hội cùng lắng nghe chia sẻ từ các góc độ khác nhau về những thông lệ quản trị kinh nghiệm tốt, để quản trị biến đổi khí hậu gắn với phát triển bền vững tại DN và thực thi vai trò của HĐQT; nắm được xu thế liên quan đến phát triển bền vững mà nhà đầu tư có trách nhiệm đặt ra, cách trình bày các thông tin về phát triển bền vững ESG theo xu thế mới.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, mục tiêu tổng quát của Chiến lược là thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hiện đang xây dựng dự thảo kế hoạch hành động triển khai các nội dung liên quan trong Quyết định 1658 nói trên.

Ông Vũ Chí Dũng chia sẻ thêm, trong bối cảnh nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, cộng đồng DN Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng bởi vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia. Vì vậy, việc thực hiện tốt công tác quản trị chống biến đổi khí hậu và có trách nhiệm với xã hội thực sự đã trở thành một yếu tố giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh, đảm bảo phát triển bền vững.

‘‘Điều này cần bắt đầu từ trong tư duy của các nhà lãnh đạo, các thành viên hội đồng quản trị – người giám sát mục tiêu chiến lược kinh doanh tích hợp với chiến lược mục tiêu phát triển bền vững, các thành viên ban điều hành – những người đóng vai trò chính trong điều khiển tiến trình phát triển kinh doanh của DN gắn với phát triển bền vững’’ – ông Vũ Chí Dũng nhấn mạnh.

Diễn giả chia sẻ thông tin liên quan đến phát triển bền vững gắn với quản trị biến đổi khí hậu. Ảnh Đỗ Doãn
Diễn giả chia sẻ thông tin liên quan đến phát triển bền vững gắn với quản trị biến đổi khí hậu. Ảnh Đỗ Doãn

Thực hiện để tối ưu hóa lợi nhuận

Chia sẻ tại sự kiện, bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam cho biết, Deloitte đánh giá quản trị công ty như một công việc tất yếu DN phải làm, có gắn bó mật thiết với năng lực cạnh tranh. Với một thị trường mới nổi như thị trường chứng khoán Việt Nam, việc áp dụng và cải thiện quản trị công ty yêu cầu một lộ trình thay đổi đầy đủ mà hội đồng quản trị giữ vai trò chủ động tiếp cận với xu thế toàn cầu, tích hợp nội dung vào chương trình nghị sự và cần chủ động hành động.

Với xu thế tất yếu của phát triển bền vững, Deloitte Toàn cầu đã triển khai nhiều chiến lược nhằm thúc đẩy lựa chọn có trách nhiệm với khí hậu trong tổ chức và lan tỏa đến cả hệ sinh thái gồm khách hàng, đối tác và các bên liên quan khác, điển hình là chiến dịch WorldClimate. Ngoài ra, Deloitte Toàn cầu cũng đã đầu tư 1 tỷ USD vào nghiên cứu phát triển bền vững và biến đổi khí hậu (Sustainability & Climate), bao gồm phát triển các dịch vụ liên quan đến khách hàng, nghiên cứu và năng lực dựa trên dữ liệu.

Cùng với cam kết phát thải ròng bằng “0” được đưa ra bởi Chính phủ, hệ thống quy định pháp luật sẽ tiếp tục được kiện toàn. Đây cũng chính là con đường tất yếu và là một cơ hội trên hành trình phát triển DN một cách bền vững. Tại quốc gia nơi phát triển bền vững vẫn chưa đi sâu vào thực tiễn như Việt Nam, hội đồng quản trị thay đổi tư duy một cách đồng nhất với cam kết để có thể quản trị công ty một cách hiệu quả, từ đó thúc đẩy mục tiêu này trở thành ưu tiên dài hạn ở cấp độ toàn DN và đảm bảo một tương lai bền vững.

“Quản trị công ty là lựa chọn chứ không phải bắt buộc, nên DN một khi đã tham gia cần phải vượt qua mức yêu cầu thấp nhất là tuân thủ pháp luật để tối ưu hóa lợi ích từ quản trị công ty…’’ – bà Hà Thu Thanh nhấn mạnh.

Ngoài chia sẻ trên, hội thảo còn nhận được nhiều nội dung thông tin liên quan đến phát triển bền vững từ các diễn giả khác như tại sao DN Việt cần quan tâm đến các vấn đề biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; bức tranh toàn cảnh về đầu tư có trách nhiệm và định hướng trong khu vực cũng như tại Việt Nam; nâng chất lượng thông tin công bố về phát triển bền vững, các khung chuẩn mực phát triển bền vững hàng đầu trên thế giới, yêu cầu công bố thông tin phát triển bền vững theo từng quốc gia, những vấn đề và thách thức, khuyến nghị để tăng cường chất lượng thông tin công bố…

Deloitte Việt Nam đã ra mắt dịch vụ phát triển bền vững & biến đổi khí hậu (Sustainability & Climate), nhằm hỗ trợ DN xác định và triển khai lộ trình phát triển bền vững hiệu quả hơn như từ việc xác định lại chiến lược, lồng ghép các cân nhắc bền vững vào hoạt động, đáp ứng các yêu cầu về thuế, công bố thông tin và quy định… đến giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của các tổ chức và chuỗi giá trị.