Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để phù hợp với yêu cầu phát triển Phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội Hà Nội đầu tư xây dựng 2 - 3 khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh

Hội thảo sẽ tập trung góp ý các kết quả nghiên cứu bước đầu đối với quy hoạch Thủ đô của liên danh tư vấn lập quy hoạch Thủ đô; đề xuất các ý tưởng quy hoạch, phát triển Thủ đô, góp phần cụ thể hoá các nội dung gợi ý của Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thông qua tháng 4/2023.

Huy động nguồn lực chất xám xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh thông tin tại cuộc họp báo về hội thảo. Ảnh: D.A

Với sự tham dự của hơn 350 đại biểu, nội dung hội thảo tập trung vào phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của Thủ đô Hà Nội để xác định được những tiềm năng, lợi thế riêng có của Hà Nội, đồng thời làm rõ những điểm không thuận lợi trong phát triển Thủ đô.

Hội thảo cũng phân tích, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn, thực trạng phát triển hạ tầng kỹ thuật, quản lý và bảo vệ môi trường; góp phần đánh giá được các kết quả đã đạt được và xác định được những điểm nghẽn làm hạn chế sự phát triển của Thủ đô trong những năm qua.

Từ những phân tích này, các chuyên gia, nhà nghiên cứu gợi ý định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, quan điểm tổ chức không gian là hài hoà, hợp lý, có bản sắc của Thủ đô di sản nghìn năm văn hiến; mở rộng không gian đô thị xanh, thông minh, hiện đại; giữ gìn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa khu vực nông thôn mang đặc trưng của vùng đồng bằng sông Hồng…

Ông Lê Ngọc Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, đơn vị được giao lập quy hoạch cho biết, hiện nay lộ trình, tiến độ xây dựng quy hoạch đang được thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết và theo đúng quy định tại Nghị định 37 về hướng dẫn Luật Quy hoạch. Liên danh tư vấn đang hoàn thiện dự thảo giai đoạn 1 về quy hoạch Thủ đô.

Theo lộ trình, đến cuối năm 2023, dự thảo quy hoạch sẽ được lấy ý kiến các sở ngành, quận, huyện, người dân, các địa phương lân cận… sau đó tổng hợp báo cáo lãnh đạo thành phố, Hội đồng Thẩm định Trung ương cho ý kiến.

Huy động nguồn lực chất xám xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội
Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân Bùi Đức Thọ phát biểu. Ảnh: D.A

Đại diện đơn vị đứng đầu liên danh tư vấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân Bùi Đức Thọ cho biết, khó khăn nhất trong quá trình lập quy hoạch là sức ép về thời gian, do quỹ thời gian không còn nhiều. Đến nay, bản dự thảo quy hoạch đã được hoàn thành để trình Thành ủy Thành phố và sẽ được trình bày cụ thể tại hội thảo tới đây.

Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của hội thảo, Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn cho biết, đây là lần đầu tiên Hà Nội làm một quy hoạch tổng thể, tích hợp các quy hoạch trong một, với nhiều lĩnh vực rất mới.

Với lợi thế là nơi có hệ sinh thái dân trí cao nhất trên cả nước với hàng nghìn nhà khoa học, nhà nghiên cứu, ông kỳ vọng qua hội thảo sẽ tiếp thu được trí tuệ, sự sáng tạo của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý… vào xây dựng định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội nói riêng và phát triển Thủ đô nói chung.

Theo định hướng quy hoạch dự kiến, Hà Nội sẽ có 2 thành phố trực thuộc Thủ đô gồm: thành phố tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và thành phố phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai).

3 tuyến hành lang kinh tế là: hành lang (Côn Minh, Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội; hành lang Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Bắc Giang - Bắc Ninh - Hà Nội.

5 trục phát triển quan trọng được đề xuất là: trục sông Hồng (là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông); trục Hồ Tây - Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh (là trục giao thông đối ngoại, hướng tâm, tạo chuỗi đô thị xanh, hiện đại); trục Nhật Tân - Nội Bài (trục đô thị thông minh - đối ngoại); trục liên kết phía Nam (trục liên kết vùng) và trục Hồ Tây - Cổ Loa (trục không gian văn hóa).

Cùng với đó, Hà Nội sẽ có 5 tuyến vành đai đô thị, cùng với các trục giao thông hướng tâm, các tuyến đường sắt đô thị sẽ tạo nên các không gian phát triển mới của Thủ đô.