Huy động tổng lực đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hoá vi phạm. Ảnh tư liệu.

PV: Sau 10 năm hoạt động, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã có những thay đổi gì cho công tác đấu tranh, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thưa ông?

Ông Lê Thanh Hải: Trong 10 năm qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đấu tranh, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả không ngừng được bổ sung và hoàn thiện. Công tác tuyên truyền được đổi mới, hướng về cơ sở, địa phương, góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Các lực lượng chuyên trách thuộc thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tiếp tục được kiện toàn và nâng cao năng lực, phát huy được vai trò nòng cốt tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và trực tiếp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiệu quả.

Công tác hợp tác quốc tế về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được mở rộng, đi vào chiều sâu và thiết thực hơn; đã tranh thủ được nguồn lực, kinh nghiệm và phối hợp của quốc tế trong công tác này.

Tôi cho rằng, kết quả hoạt động 10 năm qua của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã thể hiện được sự quan tâm sâu sát, quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong hội nhập kinh tế quốc tế, với mục tiêu huy động cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, các cấp, các ngành, địa phương cùng tham gia mặt trận đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả - kiên quyết đẩy lùi vấn nạn, không để có "vùng cấm".

PV: Trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp trong đấu tranh, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả như thế nào?

Huy động tổng lực đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Ông Lê Thanh Hải: Hàng năm, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch triển khai cụ thể các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt vào thời điểm cuối năm, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại và hàng giả đối với các mặt hàng cấm và hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia xây dựng Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán hàng năm.

Kết quả, từ năm 2015 đến nay, các lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ, xử lý khoảng 215 nghìn vụ buôn lậu, vận chuyển hàng cấm; gần 1,18 triệu vụ gian lận thương mại; 74,5 nghìn vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả. Qua đó, khởi tố hình sự gần 12 nghìn vụ, với 14,5 nghìn đối tượng. Thu nộp ngân sách nhà nước gần 97 triệu tỷ đồng.

PV: Dù đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, song có thể thấy, việc phát hiện, xử lý vẫn chưa phản ánh đúng với tình hình thực tế. Theo ông, trong thời gian tới cần có giải pháp đột phá nào để cải thiện vấn đề này?

Ông Lê Thanh Hải: Dự báo buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn phức tạp cả địa bàn, quy mô và tính chất. Xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành địa phương sẽ khẩn trương tiến hành rà soát các chương trình, kế hoạch công tác, chỉ rõ những việc đã làm được, chưa làm được và các giải pháp khắc phục thời gian tới, gắn với việc kiện toàn các Ban Chỉ đạo, bảo đảm hoạt động thực chất, hiệu quả.

Bên cạnh đó, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; tăng cường lực lượng, cơ sở vật chất, kiện toàn tổ chức bộ máy cho lực lượng trực tiếp đấu tranh với tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức bảo đảm yêu cầu công tác trong tình hình mới; có cơ chế sàng lọc, thay thế, luân chuyển những người không đủ năng lực công tác, không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật.

Đặc biệt, các đơn vị cần mở rộng và nâng cao hiệu quả trong hợp tác quốc tế để chủ động phòng ngừa tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ sớm, từ xa và đấu tranh hiệu quả với tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người, tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại...

PV: Xin cảm ơn ông!

Tập trung nhóm đối tượng có nguy cơ cao

Theo đại diện Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương cần tập trung làm tốt công tác phòng ngừa; đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp để huy động các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, người dân cùng vào cuộc; tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao, dễ bị lợi dụng, lôi kéo tiếp tay cho hoạt động vi phạm pháp luật.