Kết nối vận tải thủy Đồng bằng sông Cửu Long và cảng Cái Mép, Cát Lái để giảm chi phí
Cảng Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Gia Cư

VISABA cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa và thủy sản lớn nhất cả nước với sản lượng xuất nhập khẩu chiếm 40% giá trị sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Trong đó, 70 - 75% lượng hàng xuất nhập khẩu hàng năm của vùng này được vận chuyển lên cụm cảng khu vực TP. Hồ Chí Minh và Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Tuy nhiên, lượng hàng xuất khẩu vận chuyển chủ yếu bằng đường bộ, trong khi cụm cảng ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ hoạt động cầm chừng.

Hiện nay, hai tuyến vận tải thủy kết nối từ cụm cảng Cần Thơ đến Cái Mép và TP. Hồ Chí Minh chủ yếu là đi qua Sông Tiền - Sông Vàm Nao (chiều dài tuyến khoảng 367km), hoặc tuyến luồng sông Tiền - Chợ Lách - Sông Mang Thít (chiều dài 235km), chi phí vận chuyển khoảng 7 triệu đồng/TEU (container tiêu chuẩn loại 20 feet).

Theo phân tích của VISABA, nếu vận chuyển theo tuyến mới, kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với cảng nước sâu Cái Mép và Cát Lái qua kênh Quan Chánh Bố, chiều dài tuyến được rút ngắn còn 200km, chi phí vận chuyển giảm chỉ còn khoảng 3 triệu đồng/TEU.

Ngoài việc giảm tải đường bộ, giảm chi phí logistics, phương án mới còn giúp giảm bớt việc nạo vét luồng lạch để duy trì cho tàu trọng tải lớn vào Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, khi ra đời tuyến mới, trong 5 năm đầu tiên hoạt động, sản lượng trên tuyến này sẽ tăng trưởng ít nhất 20%/năm.