nh

Khách hàng đang thực hiện nộp ngân sách tại BIDV - 1 trong 5 hệ thống ngân hàng thương mại phối hợp thu ngân sách với KBNN.

Việc thực hiện công tác này vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phục vụ tốt hơn yêu cầu của khách giao dịch, vừa giảm thiểu chi phí về thời gian và vật chất cho cả kho bạc và các đơn vị sử dụng ngân sách.

Không để hồ sơ quá hạn

Ông Lê Hoài Thanh - Giám đốc KBNN Hòa Bình cho biết, với mục tiêu tất cả vì khách hàng nên KBNN Hòa Bình đã thực hiện nhiều cải cách trong công tác phối hợp thu và kiểm soát chi (KSC).

Theo đó, ngoài việc rút ngắn các thủ tục hành chính (TTHC) cũng như thời gian trong kiểm soát chi ngân sách (từ 7 ngày xuống còn 3 ngày trong kiểm soát hồ sơ chi đầu tư), KBNN Hòa Bình đã đẩy mạnh công tác phối hợp với các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh để tập trung các khoản thu về ngân sách nhà nước (NSNN) đầy đủ, kịp thời, chính xác bằng các hình thức như: thu, nộp thuế điện tử, thu qua tài khoản chuyên thu, thu qua máy chấp nhận thẻ, thu trực tiếp tại các phòng giao dịch của các NHTM.

Các bước cải cách này đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng thực hiện nghĩa vụ nộp các khoản thu vào ngân sách, góp phần cải cách TTHC về thu, nộp NSNN và tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Đặc biệt, với việc triển khai tích cực các dự án cải cách, hiện đại hóa trong thu ngân sách đã giúp giảm thiểu thời gian và thủ tục nộp tiền cho người nộp thuế. Theo đó, thời gian thực hiện 1 giao dịch thu NSNN đã rút xuống còn khoảng 5 phút (so với trước đây là 30 phút).

Tính đến thời điểm này, đã có 118/247 đơn vị sử dụng ngân sách tham gia DVCTT, chiếm tỷ lệ 47,7% tổng số đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn tỉnh.



Bên cạnh đó, các TTHC luôn được KBNN Hòa Bình cập nhật kịp thời, niêm yết công khai tại bộ phận giao dịch với khách hàng và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của KBNN Hòa Bình, Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh. Hoạt động giải quyết TTHC giữa KBNN cấp tỉnh và KBNN cấp huyện cũng được thực hiện một cách toàn diện.

Cũng theo ông Thanh, từ đầu năm 2019 đến nay, KBNN Hòa Bình luôn chú trọng đến bộ phận “một cửa” (đây là nơi có nhiều giao dịch liên quan đến TTHC) để kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình giao dịch của khách hàng. Đồng thời, KBNN Hòa Bình đã triển khai ứng dụng cảnh báo rủi ro trong kiểm soát chi NSNN (tình hình biến động số dư tài khoản của đơn vị sử dụng NSNN tại KBNN; trạng thái xử lý giao nhận hồ sơ, chứng từ yêu cầu thanh toán, giấy rút tiền mặt của đơn vị sử dụng NSNN trong quá trình giao dịch với KBNN; bổ sung thêm quy trình quản lý giao nhận hồ sơ trực tiếp tại KBNN) để góp phần phòng ngừa, hạn chế rủi ro, thất thoát đối với các đơn vị sử dụng NSNN…

Với các biện pháp đã triển khai thực hiện, từ đầu năm đến nay, KBNN Bình đã kiểm soát 284.679 hồ sơ làm TTHC. Đặc biệt, tại KBNN Hòa Bình, không có hồ sơ quá hạn nào tồn đọng mà không có lý do.

Dịch vụ công trực tuyến - bước cải cách mang tính đột phá

Ông Lê Hoài Thanh cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các đơn vị sử dụng NSNN, trong thời gian qua, KBNN Hòa Bình đã tích cực triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Việc cung cấp DVCTT đã hình thành thêm một kênh giao dịch điện tử, giúp cho công tác thanh toán ngân sách được thực hiện ngày càng nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Sau khi thực hiện cung cấp DVCTT, KBNN Hòa Bình đã nhận được nhiều phản ứng tích cực từ phía khách hàng giao dịch và các đơn vị sử dụng ngân sách vì tiết kiệm được thời gian xử lý hồ sơ, chứng từ thông qua DVCTT. Hơn nữa, qua DVCTT, đơn vị sử dụng ngân sách có thể biết được tình trạng hồ sơ của mình đang được xử lý ở cấp độ nào. “Vì thế, các đơn vị sử dụng ngân sách rất phấn khởi và tích cực tham gia vào hình thức giao dịch mới này. “Tính đến thời điểm này, đã có 118/247 đơn vị sử dụng ngân sách tham gia DVCTT, chiếm tỷ lệ 47,7% tổng số đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn tỉnh” - ông Thanh chia sẻ.

Với những cố gắng trong cải cách, hiện đại hóa, KBNN Hòa Bình đã được các đơn vị sử dụng ngân sách đánh giá cao về công tác phục vụ cũng như xử lý công việc. Theo đánh giá từ các đơn vị này, bằng việc công khai các TTHC, minh bạch trong giao dịch và cải tiến các bước, các khâu trong kiểm soát ngân sách, KBNN Hòa Bình đã đẩy nhanh tốc độ xử lý hồ sơ, thủ tục thanh toán vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho NSNN.

Với đích đến là trở thành kho bạc điện tử vào năm 2020, KBNN Hòa Bình đang nỗ lực cố gắng triển khai các nhiệm vụ, trong đó chú trọng đẩy mạnh cải cách TTHC, kiểm soát TTHC. Đặc biệt, KBNN Hòa Bình đang phấn đấu, sang năm 2020, 100% các TTHC của KBNN được thực hiện trên DVCTT mức độ 4, đồng thời, tất cả các hoạt động nghiệp vụ đều được ứng dụng công nghệ thông tin.

Vân Hà