Cải cách trong thu, chi ngân sách nhà nước

Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, quy trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua được KBNN thực hiện theo đúng quy định, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc đánh giá tác động của chính sách đối với lợi ích của người dân, tổ chức và việc tham gia của người dân đối với quá trình xây dựng các văn bản. Theo KBNN, đây chính là cơ sở pháp lý cao, đầy đủ và đồng bộ cho việc cải cách, hiện đại hóa các chức năng, nhiệm vụ của KBNN.

Cán bộ kho bạc trao đổi nghiệp vụ về dịch vụ công trực tuyến.
Cán bộ kho bạc trao đổi nghiệp vụ về dịch vụ công trực tuyến.

Đối với thủ tục thuộc lĩnh vực thu ngân sách nhà nước (NSNN), KBNN đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp, trong cải cách công tác thu. Theo đó, thủ tục thu NSNN đã được đơn giản và rút ngắn (giảm từ 30 phút xuống còn 5 phút/giao dịch), vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, vừa góp phần tập trung nhanh, đầy đủ nguồn thu cho NSNN và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.

Đối với thủ tục kiểm soát chi NSNN, KBNN đã thực hiện rút ngắn thời gian kiểm soát từ 7 ngày xuống còn 3 ngày làm việc, đối với các khoản chi đầu tư; 1 ngày làm việc đối với các khoản chi "thanh toán trước, kiểm soát sau" và phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị trong chu trình chi NSNN. Đồng thời, KBNN thực hiện kiểm soát chi theo rủi ro; kiểm soát chi theo cơ chế khoán chi..., góp phần ngăn chặn tình trạng nợ đọng trong thanh toán.

Đặc biệt, hệ thống KBNN đã triển khai việc tiếp nhận và trả kết quả kiểm soát, thanh toán vốn qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) từ năm 2018. Qua 5 năm triển khai, KBNN đã tiếp tục nghiên cứu nhiều giải pháp tích cực nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống DVCTT. Đồng thời, KBNN đã phát triển nhiều tính năng, tiện ích mới cho người sử dụng như: cung cấp tính năng tra cứu số dư tài khoản và trạng thái hồ sơ kiểm soát chi qua ứng dụng trên thiết bị di động; thí điểm công nghệ ký số từ xa (Remote-signing) trên DVCTT tại các đơn vị sử dụng ngân sách giao dịch với KBNN Hà Nội (công nghệ ký số thế hệ mới cho phép người dùng không phụ thuộc vào thiết bị vật lý để ký số); thí điểm trao đổi dữ liệu với các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước và viễn thông để chủ động thanh toán cho các đơn vị sử dụng dịch vụ thông qua văn bản ủy quyền điện tử của đơn vị cho KBNN nơi giao dịch...

Liên tiếp xếp hạng cao trong cải cách thủ tục hành chính

Việc triển khai tích cực các giải pháp nêu trên đã đưa KBNN trở thành một trong những đơn vị hệ thống đầu tiên trong ngành Tài chính hoàn thành cung cấp 100% thủ tục qua DVCTT mức độ 4; đồng thời đưa KBNN cơ bản trở thành kho bạc điện tử với các hoạt động được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại. Đặc biệt, trong 2 năm liên tiếp (2021, 2022), KBNN đứng ở vị trí thứ 2 trong số các đơn vị thuộc khối tổng cục thuộc Bộ Tài chính thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; đạt tỷ lệ 94,5% đơn vị, tổ chức, cá nhân đánh giá mức độ hài lòng trong đợt khảo sát của hệ thống KBNN năm 2022.

Ông Nguyễn Nhật Thông – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cho biết, kể từ khi vận hành đến nay, DVCTT của KBNN ngày càng gia tăng tiện tích, tạo thuận lợi cho các đơn vị giao dịch. Năm 2022, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Đà Lạt được giao 440 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương, để xây dựng 48 dự án. “Với việc giao dịch qua DVCTT, kế toán của ban không còn phải trực tiếp mang hồ sơ chứng từ đến kho bạc, đã tiết kiệm được khá nhiều thời gian và chi phí. Đặc biệt, đơn vị đã dễ dàng nắm bắt tiến độ tiếp nhận và xử lý hồ sơ của cán bộ kho bạc” - ông Thông cho biết.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách quy định về thủ tục hành chính

Đề xuất định hướng cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong giai đoạn phát triển mới, Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách quy định TTHC và các quy trình nghiệp vụ theo hướng giảm thành phần hồ sơ, đơn giản hóa quy trình, thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử, trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu số các giao dịch TTHC giữa các bộ, ban, ngành và liên thông hệ thống giữa KBNN với các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào quy trình nội bộ xử lý hồ sơ TTHC; trong đó triển khai việc ký số, gửi, nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử tại từng đơn vị, bộ phận.

Là khách hàng thường xuyên của KBNN Khánh Hòa, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa cũng đánh giá cao những nỗ lực cải cách, hiện đại hóa nghiệp vụ của KBNN nói chung và KBNN Khánh Hòa nói riêng, đặc biệt là DVCTT.

Ông Phạm Văn Hòa – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa cho biết, thông qua chức năng của mình, KBNN Khánh Hòa đã giúp cho đơn vị kiểm soát hiệu quả nguồn chi đúng quy định; đẩy mạnh giao dịch trên DVCTT, KBNN Khánh Hòa đã giúp đơn vị tiếp cận được nguồn vốn nhanh, kịp thời đưa đến công trình, dự án giúp phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư công.

Đánh giá về việc phối hợp thu và thanh toán không dùng tiền mặt của KBNN, bà Nguyễn Thanh Nga – Kế toán trưởng UBND thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam cho biết, qua triển khai DVCTT và thanh toán không dùng tiền mặt tại KBNN Bình Lục đã tạo rất nhiều thuận lợi cho đơn vị trong việc giao dịch với kho bạc.

“Nếu như trước đây, tôi phải trực tiếp đến trụ sở kho bạc xếp hàng chờ đến lượt nộp hồ sơ, chờ kiểm soát và chờ lĩnh tiền mặt, thì nay, tôi chỉ việc ngồi tại đơn vị và thực hiện các bước thao tác nộp hồ sơ đề nghị thanh toán vốn lên DVCTT của kho bạc; đồng thời theo dõi các bước tiếp nhận, xử lý, trả kết quả của cán bộ kho bạc. Các chứng từ sau khi được cán bộ kho bạc kiểm soát xong đã được chuyển sang ngân hàng để thanh toán cho đơn vị. Công tác này hiện vô cùng nhanh chóng và tiện lợi” - bà Nga nhấn mạnh.

Với những nỗ lực và đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong các hoạt động nghiệp vụ, có thể thấy, KBNN đã luôn kiên định với mục tiêu lấy khách hàng làm trọng tâm phục vụ, tất cả vì khách hàng. Trong tiến trình hình thành Kho bạc số vào năm 2030, KBNN đang đặt ra các kế hoạch cải cách và các mục tiêu mới để tiếp tục làm tốt trong giai đoạn phát triển này.

Xử lý nghiêm cán bộ gây nhũng nhiễu với khách giao dịch

Thực hiện mục tiêu "Khách hàng là trung tâm phục vụ”, thời gian tới, kho bạc nhà nước (KBNN) tiếp tục triển khai các giải pháp để nâng cao hiệu quả thực thi thủ tục hành chính (TTHC) phục vụ đơn vị, cá nhân của công chức KBNN.

Theo đó, KBNN sẽ thực hiện rà soát các công chức trực tiếp tiếp nhận và giải quyết TTHC đảm bảo đáp ứng đầy đủ năng lực xử lý hồ sơ, thái độ phục vụ và đạo đức công vụ; xử lý nghiêm các công chức, đơn vị có biểu hiện nhũng nhiễu, gây khó khăn cho đơn vị giao dịch và có thái độ, hành vi không đúng chuẩn mực đạo đức công vụ. Đồng thời, KBNN siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành các cơ chế chính sách và quy trình nghiệp vụ tại từng đơn vị; tăng cường công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức về đạo đức nghề nghiệp, tinh thần thái độ phục vụ khách hàng và kỹ năng giao tiếp; tiếp tục thực hiện khảo sát, đánh gia mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của KBNN; tăng cường kiểm tra, giám sát từ xa quá trình giải quyết TTHC.