Kho bạc Nhà nước nâng chất lượng dịch vụ công phục vụ khách hàng tốt hơn
Công chức Kho bạc Nhà nước quận Cầu Giấy, Hà Nội thực hiện kiểm soát các thủ tục thanh toán vốn trên dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Hạnh Thảo

Liên thông các ứng dụng để kiểm soát chi

Nhiều năm trở lại đây, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã luôn đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa các khâu nghiệp vụ. Từ năm 2018, KBNN đã triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) - mở ra một phương thức giao dịch hoàn toàn mới trên môi trường mạng, giúp các đơn vị sử dụng ngân sách (ĐVSDNS) dễ dàng gửi hồ sơ thanh toán vốn với Kho bạc mà không phải mất công đi lại nhiều lần như trước đây.

Hiện KBNN đã cung cấp đủ 11 thủ tục hành chính lên DVCTT mức độ 4 và tích hợp toàn bộ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% ĐVSDNS (trừ khối an ninh, quốc phòng) đã đăng ký tham gia DVCTT tại KBNN. Theo đó, hệ thống DVCTT của KBNN đã xử lý trên 99,6% tổng số chứng từ chi ngân sách nhà nước (NSNN), giúp giảm chi phí hoạt động; tăng tính minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

Không dừng lại ở đó, từ DVCTT, KBNN đã tập trung triển khai các dự án công nghệ thông tin (CNTT) như: Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng mới xây dựng theo mô hình kỹ thuật tập trung, nhằm mở rộng kênh thanh toán liên ngân hàng đến KBNN cấp huyện trên cơ sở tài khoản kho bạc duy nhất tại Ngân hàng Nhà nước; quy trình liên thông ứng dụng giữa DVCTT với Tabmis (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) và thanh toán liên ngân hàng đối với chi thường xuyên; chương trình thanh toán tự động với các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông…

Trong đó, việc triển khai liên thông giữa các ứng dụng phục vụ công tác kiểm soát chi, kế toán, thanh toán có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp giảm hơn 35% thời gian xử lý hồ sơ, chứng từ và khối lượng công việc cho công chức kiểm soát chi.

Kho bạc Nhà nước nâng chất lượng dịch vụ công phục vụ khách hàng tốt hơn
Dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước đã mở ra một phương thức giao dịch hoàn toàn mới trên môi trường mạng. Ảnh: TL

Để hỗ trợ người nộp thuế và để hạn chế dùng tiền mặt trong giao dịch, KBNN đã mở rộng phối hợp thu và ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt tại 19 ngân hàng thương mại cổ phần, góp phần tập trung nhanh nguồn thu NSNN. Theo đó, số lượng giao dịch bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN chỉ còn chiếm tỷ lệ dưới 1%. Hiện, KBNN đang tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Cục Cảnh sát giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai dịch vụ thu phạt vi phạm giao thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Đặc biệt, với quan điểm “lấy khách hàng làm trung tâm phục vụ”, từ năm 2015 đến nay, hệ thống KBNN đã thực hiện 3 đợt rà soát, sắp xếp tinh gọn bộ máy và đã cắt giảm được 2.332 đầu mối. Đồng thời, hệ thống đã sắp xếp, bố trí cắt giảm được hơn 650 vị trí lãnh đạo cấp phòng và tương đương và hơn 2.600 vị trí lãnh đạo cấp tổ (đội).

Việc kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của KBNN được thực hiện đồng bộ với cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ và hiện đại hóa công nghệ quản lý đã tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị dự toán và các chủ đầu tư có quan hệ giao dịch với KBNN. Hơn nữa còn góp phần tiết kiệm thời gian, công sức chung cho toàn xã hội và giúp hệ thống KBNN tiết kiệm các khoản chi cho bộ máy và con người.

Nâng cấp dịch vụ công trực tuyến Bộ Tài chính đã phê duyệt

Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của KBNN, phát triển chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021-2025. Tại bản kế hoạch, Bộ Tài chính đặc biệt lưu ý KBNN tiếp tục nâng cấp, mở rộng hệ thống DVCTT nhằm hoàn thiện, bổ sung các dịch vụ và tiện ích cho khách hàng giao dịch qua đa kênh như web, mobile. Đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích khách hàng sử dụng DVCTT KBNN thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Ông Trần Quân - Tổng giám đốc KBNN cho biết, trong thời gian tới, các yêu cầu về chuyển đổi hướng tới kho bạc số sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với toàn hệ thống. Do đó, KBNN sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng cải cách thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ CNTT và chia sẻ thông tin, dữ liệu điện tử; đẩy mạnh giao dịch trên DVCTT, gia tăng thêm các tiện ích trên DVCTT cho người sử dụng.

Cũng theo Tổng giám đốc KBNN, trong quá trình xây dựng kho bạc điện tử thời gian qua, toàn hệ thống đã vận hành và làm chủ nhiều hệ thống CNTT lớn như: Tabmis, DVCTT, thanh toán điện tử với hệ thống ngân hàng, phối hợp thu NSNN … Trên nền tảng này, trong thời gian tới, KBNN tiếp tục hoàn thiện các ứng dụng đã có nhằm củng cố hoàn thiện kho bạc điện tử, đồng thời xây dựng các bài toán để nâng chất các dịch vụ công giúp khách hàng ngày càng thuận lợi trong giao dịch.

Trước mắt, KBNN sẽ hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ và các dịch vụ công theo hướng điện tử hóa. Về lâu dài, KBNN báo cáo Bộ Tài chính để kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật NSNN, Luật Kế toán và các nghị định hướng dẫn để tạo hành lang pháp lý phù hợp. Đồng thời, KBNN nâng cấp, cải tiến hệ thống CNTT đáp ứng được yêu cầu cung cấp chuyên sâu dịch vụ công (nâng cấp hệ thống Tabmis thành hệ thống VDBAS - hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số) để kết nối liên thông giữa ĐVSDNS, KBNN, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Chất lượng dịch vụ công đã tạo một bước đột phá lớn

Triển khai dịch vụ công trực tuyến và tích hợp thành công các dịch vụ hành chính công trên Cổng dịch vụ công quốc gia, chất lượng dịch vụ hành chính công của KBNN đã tạo được một bước đột phá lớn, đáp ứng được các yêu cầu của Chính phủ, Bộ Tài chính. Với những kết quả đã đạt được, KBNN luôn nhận được sự đánh giá cao của khách hàng về chất lượng phục vụ.