Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Quy Nhơn, việc mở rộng quy mô thông qua đầu tư phát triển cũng là chiến lược phát triển của VIMC và các doanh nghiệp.

Trong đó dự án đầu tư xây dựng bến số 1 - Cảng Quy Nhơn là rất cần thiết, đây là dự án trọng điểm, ưu tiên của VIMC và cảng Quy Nhơn.

Các đại biểu tham dự thực hiện nhấn nút khởi công dự án đầu tư xây dựng nâng cấp bến số 1 Cảng Quy Nhơn
Các đại biểu tham dự thực hiện nhấn nút khởi công Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp bến số 1 Cảng Quy Nhơn.

Triển khai dự án đầu tư xây dựng nâng cấp bến số 1 thể hiện quyết tâm của VIMC nói chung và cảng Quy Nhơn nói riêng trong việc cam kết với Chính phủ và UBND tỉnh Bình Định trong việc đầu tư mở rộng để đáp ứng lượng hàng thông qua cảng đến 2025 đạt 15 triệu tấn; góp phần đáp ứng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Định, miền Trung và Tây Nguyên.

Thời gian vừa qua, đại dịch Covid 19 diễn biến phức tạp khiến tỉnh Bình Định gặp nhiều khó khăn và tổn thất lớn. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã từng bước ổn định, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Có nhiều doanh nghiệp là điểm sáng trong sản xuất kinh doanh, góp phần vào sự phục hồi, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Trong đó Công ty CP cảng Quy Nhơn là một trong những điển hình vượt khó đạt được kết quả cao trong hoạt động kinh doanh năm 2021. Đồng thời, Công ty cũng đã quan tâm triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy hoạch được duyệt, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao trong lĩnh vực vận tải thông qua cảng biển.

Trong suốt quá trình hoạt động, cảng Quy Nhơn luôn có bước phát triển toàn diện và vững chắc. Tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng năm sau luôn cao hơn năm trước, với cột mốc năm 2010, sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Quy Nhơn đạt 4,5 triệu tấn, đến năm 2015 đạt 7,8 triệu tấn và năm 2020 đã đạt được 11 triệu tấn.

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng Quy Nhơn ngày càng tăng cũng đồng thời với việc gia tăng áp lực quá tải đối với hạ tầng kỹ thuật của cảng, do đó việc đầu tư xây dựng mở rộng cảng Quy Nhơn là hết sức cần thiết.

Đến năm 2025, Bình Định đặt mục tiêu trở thành trung tâm trung chuyển và dịch vụ cảng biển, logistics, vận tải, dịch vụ xuất - nhập khẩu, công nghiệp chế tạo, chế biến khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ngoài ra, Bình Định đang phấn đấu trở thành trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển. Đầu mối giao thương kinh tế, đối ngoại quan trọng giữa Việt Nam với các nước vùng sông Mekong.