Gấp rút hoàn thiện dự thảo Nghị định

Trước thực trạng tổng thể và tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là tài sản công (TSC) còn chậm, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý TSC. Dự thảo đã được gửi xin ý kiến rộng rãi bằng văn bản các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước… Đặc biệt, Bộ Tài chính đã tổ chức 3 cuộc hội thảo tại TP. Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An để lấy ý kiến trực tiếp góp ý cho dự thảo.

Không thực hiện sắp xếp nhà, đất của đối tượng là doanh nghiệp
Ảnh TL minh họa.

Ông Nguyễn Tân Thịnh – Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, đây là một nghị định rất khó và quan trọng, Bộ Tài chính đã tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương trên tinh thần cầu thị. Mỗi ý kiến đều xuất phát từ thực tiễn, nắm rõ các vướng mắc phát sinh khi triển khai thực hiện xử lý lại, sắp xếp tài sản công.

“Đây đều là các ý kiến tâm huyết, xuất phát từ yêu cầu thực tiến. Trên cơ sở giải trình, tổng hợp tiếp thu, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị định lần 3 để tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình Chính phủ” - Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết.

Phát sinh vướng mắc từ thực tiễn

Việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là tài sản công (TSC) của các bộ, ngành, địa phương qua nhiều giai đoạn chính sách đã đạt được những kết quả quan trọng, giúp các cơ quan quản lý cơ bản nắm được tổng thể nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp (DN) nhà nước thuộc trung ương và địa phương đang quản lý.

Tuy nhiên, tổng thể tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là TSC còn chậm với nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân cơ bản nhất đó chính là một số quy định tại Nghị định 167, Nghị định 67 còn chưa đủ rõ hoặc không còn phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới, hoặc trong quá trình thực hiện còn phát sinh vướng mắc.

Dự thảo Nghị định lần này tập trung vào 2 nội dung chính đó là: Sắp xếp lại, xử lý TSC là đất, nhà, công trình khác gắn liền với đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định, trừ nhà, đất không phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý theo quy định tại Điều 3 dự thảo Nghị định; xử lý chuyển tiếp việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp quản lý, sử dụng.

Cũng theo dự thảo Nghị định, có 2 trường hợp nhà, đất không thực hiện sắp xếp. Trường hợp thứ nhất là nhà, đất do doanh nghiệp quản lý; các đối tượng không thuộc phạm vi cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp. Lý do là việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các doanh nghiệp nhà nước là công việc thường xuyên và đã được quy định đầy đủ tại các pháp luật có liên quan (pháp luật về quản lý, sử dụng TSC; pháp luật về doanh nghiệp; pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan).

Trường hợp thứ hai là nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng trong 9 trường hợp đã quy định tại khoản 2 Điều 3 dự thảo.

Đồng thời, tại khoản 3 Điều 3 dự thảo quy định 12 trường hợp cụ thể thuộc hoặc không thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý. Đơn cử như đất quốc phòng đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đất giao cho địa phương, đã bố trí làm nhà ở theo đúng quy định của pháp luật, có khuôn viên độc lập hoặc có thể tách biệt khỏi khuôn viên cơ sở nhà, đất, có lối đi riêng mà nhà và tài sản gắn liền với đất đó không phải là tài sản công hoặc đã được thanh lý, hóa giá theo đúng quy định của pháp luật thì không thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất…

Có 5 hình thức sắp xếp lại, xử lý nhà, đất

Để việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là TSC đạt hiệu quả cao nhất, dự thảo Nghị định đã quy định 5 hình thức sắp xếp, xử lý gồm: Giữ lại tiếp tục sử dụng; thu hồi; điều chuyển; chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý; tạm giữ lại tiếp tục sử dụng.

Không thực hiện sắp xếp nhà, đất của đối tượng là doanh nghiệp
Ảnh TL minh họa

Trong đó, hình thức chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý đối với nhà, đất đã bố trí làm nhà ở trước ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành có khuôn viên độc lập hoặc có thể tách biệt khỏi khuôn viên cơ sở nhà, đất, có lối đi riêng mà cơ quan, tổ chức, đơn vị không còn nhu cầu sử dụng được xử lý như sau: Trường hợp nhà, đất đã bố trí làm nhà ở trước ngày 19/1/2007 thì thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật khác có liên quan.

Còn 74.605 cơ sở nhà, đất chưa được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý

Tổng số cơ sở nhà, đất theo phạm vi sắp xếp hiện tại là 256.652 cơ sở. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 182.047 cơ sở nhà, đất, song vẫn còn 74.605 cơ sở chưa được phê duyệt (chiếm 29%). Công tác tổ chức thực hiện sau khi phương án duyệt còn phát sinh những khó khăn, vướng mắc. Nhiều phương án qua nhiều năm vẫn chưa hoàn thành việc thực hiện.

Trường hợp nhà, đất đã bố trí làm nhà ở từ ngày 19/1/2007 đến trước ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành thì người đang sử dụng nhà, đất đó có trách nhiệm liên hệ với cơ quan chức năng của địa phương để xử lý theo quy định của pháp luật về đất đai. Trong đó, trường hợp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì người đang sử dụng nhà, đất có trách nhiệm nộp tiền sử dụng đất (nếu có) theo quy định của pháp luật về đất đai, nộp tiền nhà như quy định tại khoản 2 Điều 71 Nghị định số 95/2024/NĐ-CP ngày 24/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở và các khoản phải nộp khác (nếu có) theo quy định của pháp luật có liên quan.

Trường hợp không đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì cơ quan tài nguyên và môi trường trình UBND cùng cấp quyết định thu hồi đất của người đang sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong trường hợp này (nếu có) thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, chủ tịch UBND cấp tỉnh, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị xác định và xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc bố trí nhà, đất làm nhà ở đối với các trường này.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng đưa ra quy định, không phải ban hành quyết định xử lý đối với nhà, đất được xử lý theo hình thức giữ lại tiếp tục sử dụng hoặc tạm giữ lại tiếp tục sử dụng.

Về xử lý chuyển tiếp, dự thảo Nghị định quy định xử lý chuyển tiếp chia thành 2 Mục riêng.

Mục 1 để xử lý chuyển tiếp đối với nhà, đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng trong các trường hợp cụ thể được quy định tại dự thảo Nghị định.

Mục 2 để xử lý chuyển tiếp đối với nhà, đất do doanh nghiệp quản lý, sử dụng trong các trường hợp cụ thể được quy định tại dự thảo Nghị định.

Ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, với những ý kiến đóng góp, Cục Quản lý công sản sẽ tiếp tục tổng hợp, rà soát để nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Chính phủ xem xét ban hành trong thời gian sớm nhất giúp công tác sắp xếp lại, xử lý TSC nhanh chóng được triển khai, giúp nguồn lực của Nhà nước được quản lý, sử dụng hiệu quả./.