Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 65/TB-VPCP ngày 26/2/2025 kết luận của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về kết quản công tác quản lý, điều hành giá năm 2024 và định hướng công tác điều hành giá năm 2025

Chú trọng, tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong dịp lễ tết, thời điểm thiên tai

Thông báo nêu rõ, công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2024 chịu nhiều thách thức do tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, các yếu tố bất ổn địa chính trị vẫn còn kéo dài, xung đột leo thang ở một số khu vực trên thế giới. Mặc dù kinh tế toàn cầu có một số điểm sáng khi áp lực lạm phát toàn cầu giảm dần tạo điều kiện cho các quốc gia thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, nguồn cung lao động gia tăng nhưng nhìn chung nền kinh tế năm 2024 vẫn duy trì xu hướng phục hồi chậm, không đồng đều; giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới tiếp tục có diễn biến phức tạp như giá một số mặt hàng kim loại (vàng, bạc) tăng mạnh, giá một số mặt hàng nông sản cũng tăng cao như cà phê, ca cao;...

Bước sang tháng 01/2025, kinh tế thế giới tiếp tục chịu ảnh hưởng đa chiều, trong đó có chính sách thuế quan mới của Mỹ gây những lo ngại về rủi ro lạm phát, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn gia tăng và tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng.

Đối với tình hình trong nước, kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi và tăng trưởng trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp. Nguồn cung hàng hóa trong nước được bảo đảm, sức mua được duy trì tuy chưa tăng mạnh. Mặt bằng giá thị trường trong nước biến động theo quy luật tăng cao vào tháng tết đầu năm, sau đó cơ bản ổn định trong quý II do nguồn cung hàng hóa dồi dào. Trong 6 tháng cuối năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng nhẹ chủ yếu do tác động của tăng lương cơ sở từ tháng 7 và do giá lương thực, thực phẩm tăng tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình hình bão lũ, giá bán lẻ điện bình quân tăng từ tháng 10 và giá dịch vụ y tế tăng do kết cấu thêm chi phí lương tăng thêm theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng. CPI bình quân năm 2024 tăng 3,63% so với năm 2023, trong phạm vi mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm do Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Điều hành giá năm 2025: Kiểm soát tốt lạm phát trong điều kiện đẩy mạnh các nguồn lực để tăng trưởng kinh tế cao nhất
Điều hành giá năm 2025: Kiểm soát tốt lạm phát trong điều kiện đẩy mạnh các nguồn lực để tăng trưởng kinh tế cao nhất. Ảnh: TL

Để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra và thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công, mặt hàng do Nhà nước quản lý, trong năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp.

Cụ thể, đảm bảo thông suốt và tăng cường cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ, cứu trợ người dân bị thiệt hại do bão lũ, đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão; chú trọng, tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong dịp lễ tết, thời điểm thiên tai, bão lũ, thời điểm tăng lương cơ sở; chuẩn bị sớm phương án điều hành giá các mặt hàng nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp; tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp.

Chủ động ứng phó với các thách thức trong công tác điều hành giá của năm 2025

Bước sang năm 2025, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, biến động địa chính trị toàn cầu còn phức tạp có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày càng khó lường làm gia tăng rủi ro đối với an ninh hàng hải, an ninh năng lượng và an ninh lương thực thế giới cùng với những điều chỉnh trong chính sách thuế quan, kinh tế-thương mại của một số nước lớn có thể ảnh hưởng sâu rộng tới kinh tế toàn cầu từ đó dẫn đến biến động khó lường của giá một số mặt hàng chiến lược.

Để thực hiện nhiệm vụ Quốc hội và Chính phủ đề ra, Phó Thủ tướng yêu cầu công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2025 cần thực hiện kiểm soát tốt lạm phát trong điều kiện các nguồn lực được thúc đẩy mạnh mẽ để đạt tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất, đồng thời tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và hàng hóa do nhà nước quản lý với mức độ và liều lượng phù hợp theo diễn biến chỉ số giá tiêu dùng.

Để chủ động ứng phó với các thách thức trong công tác điều hành giá của năm 2025, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động đẩy mạnh triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra tại các Nghị quyết của Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá.

Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trong đó, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động công tác dự báo, tính toán, xây dựng và cập nhật kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ động trong việc tính toán, sớm chuẩn bị các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng để tránh bị động trong phối hợp chính sách; chủ động phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá tác động đến CPI bảo đảm kiểm soát lạm phát; xây dựng, cập nhật kịch bản điều hành giá cho từng mặt hàng thuộc thẩm quyền quản lý theo từng quý và hàng năm gửi cho Bộ Tài chính để tổng hợp xây dựng và cập nhật kịch bản lạm phát chung, phấn đấu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2025 ở mức khoảng 4,15%.

Điều hành giá năm 2025: Kiểm soát tốt lạm phát trong điều kiện đẩy mạnh các nguồn lực để tăng trưởng kinh tế cao nhất
Ảnh minh họa

Đồng thời, chủ động theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước, chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt, kịp thời, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2025 theo mục tiêu đề ra.

Các bộ, ngành, địa phương chủ động nắm chắc thị trường, cân đối cung cầu, giá cả hàng hóa để có giải pháp phù hợp, hiệu quả ổn định thị trường, nhất là đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như xăng dầu, điện và các nguyên liệu đầu vào quan trọng phục vụ sản xuất...

Cùng với đó, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Các bộ, ngành, địa phương tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp./.