Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh Thủ đô và đất nước đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, với nhiều nhiệm vụ rất quan trọng theo quan điểm, chủ trương của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm là đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
![]() |
Khai mạc Kỳ họp thứ 20 HĐND TP. Hà Nội - Khóa XVI. |
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, kỳ họp này dự kiến tổ chức trong 3 ngày rưỡi để xem xét, thông qua 55 nội dung, gồm 25 báo cáo và 30 Nghị quyết. Đây là kỳ họp thường lệ cuối năm nên có khối lượng công việc lớn, rất nhiều nội dung quan trọng, vì vậy, Thường trực HĐND thành phố tiếp tục đổi mới chương trình kỳ họp theo hướng giảm thời gian trình bày báo cáo, bố trí nhiều thời gian thảo luận tại các tổ và hội trường; dành 01 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Đây là những hoạt động quan trọng của nghị trường nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm và trí tuệ của các vị đại biểu để trao đổi, thảo luận các nội dung quan trọng theo chương trình kỳ họp. Một là, HĐND thành phố sẽ xem xét, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thu chi ngân sách, đầu tư công năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Hai là, về triển khai thi hành Luật Thủ đô...
Đáng chú ý, HĐND thành phố tiếp tục xem xét 6 nội dung quy định về thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức; các quy định về hoạt động của Khu công nghệ cao Hoà Lạc; quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực an toàn thực phẩm; quy định điều kiện, tiêu chí, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố để thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường … Đây là nhóm chính sách mới, quan trọng, được cử tri và nhân dân rất quan tâm.
Ba là, HĐND thành phố xem xét, thông qua các báo cáo, nghị quyết chuyên đề, các cơ chế, chính sách để kịp thời đảm bảo công tác điều hành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội của thành phố, trong đó nhiều nội dung quan trọng như danh mục thu hồi đất, tổng biên chế hành chính sự nghiệp; giá dịch vụ khám chữa bệnh, phí thăm quan; thẩm quyền trong quản lý, sử dụng tài sản công...
Bốn là, về hoạt động giám sát, HĐND thành phố sẽ xem xét các báo cáo của Thường trực HĐND, UBND, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm soát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự thành phố theo quy định của Luật; xem xét báo cáo, thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề về: việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; kết quả giải quyết kiến nghị cử tri năm 2024...
HĐND TP. Hà Nội thực hiện quyền giám sát trực tiếp đối với UBND thành phố thông qua hoạt động chất vấn, tái chất vấn, dự kiến 02 nhóm vấn đề: Tái chất vấn về việc thực hiện một số nội dung nghị quyết, kết luận chất vấn của HĐND thành phố đã đến thời hạn giải quyết nhưng thực hiện còn chậm, chưa hiệu quả; chất vấn kết quả thực hiện một số chỉ tiêu quan trọng, nhiệm vụ trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của thành phố. |