Diễn biến ngược về lãi suất

Trong những ngày đầu tháng 4/2023, yếu tố được cộng đồng quan tâm là các động thái điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại. Cụ thể, NHNN sau khi ban hành một số quyết định giảm lãi suất điều hành có hiệu lực từ ngày 3/4/2023 thì nhiều ngân hàng thương mại đã thực hiện việc giảm lãi suất huy động. Đây có thể coi là động thái của các ngân hàng trong việc “hưởng ứng” chủ trương của NHNN trong việc cố gắng đưa mặt bằng lãi suất xuống thấp trong thời gian tới.

Lãi suất liên ngân hàng tuy có tăng nhưng các ngân hàng vẫn duy trì ổn định khả năng kiểm soát thanh khoản.
Lãi suất liên ngân hàng tuy có tăng nhưng các ngân hàng vẫn duy trì ổn định khả năng kiểm soát thanh khoản.

Động thái này cũng mở ra nhiều kỳ vọng của giới kinh doanh trong việc lãi suất cho vay có thể sẽ giảm thấp hơn, qua đó giúp doanh nghiệp có thể dễ dàng hấp thụ dòng vốn ngân hàng tốt hơn với chi phí thấp. Tuy nhiên, trái ngược với động thái giảm lãi suất điều hành và lãi suất huy động tiền gửi của các ngân hàng, diễn biến lãi suất liên ngân hàng trong giai đoạn đầu tháng 4/2023 lại "leo dốc" khá nhanh.

Trước đó, lãi suất suất bình quân trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng hồi cuối tháng 3 đã có những ngày giảm xuống rất thấp, có thời điểm lãi suất cho vay qua đêm chạm đáy chỉ còn 0,9%. Tuy nhiên, diễn biến lãi suất liên ngân hàng sau đó tăng dần, tại ngày 3/4 - tức ngày đầu tiên áp dụng các mức lãi suất điều hành mới theo các quyết định điều chỉnh lãi suất của NHNN, lãi suất cho vay qua đêm đã vọt tăng lên mức 2,12%. Với một số kỳ hạn thông thường khác, kỳ hạn 1 tuần là 2,6%; 2 tuần là 2,46%; 1 tháng là 5,2%...

Trong các ngày tiếp theo, lãi suất liên ngân hàng vẫn tiếp tục “leo dốc” tăng cao hơn nữa, với kỳ hạn qua đêm hiện đã lên mức 5,06%; kỳ hạn 1 tuần là 5,16%; kỳ hạn 2 tuần là 5,19%...

Tín dụng kỳ vọng tăng, nhưng chưa thể ồ ạt

Thực tế, lãi suất liên ngân hàng tuy đã tăng cao so với giai đoạn giảm đáy cuối tháng 3, nhưng so với thời điểm đỉnh thiết lập hồi đầu tháng 3 thì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cũng vẫn còn thấp hơn khá nhiều. Cụ thể, nhìn lại diễn biến lãi suất trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng hồi đầu tháng 3, lãi suất cho vay qua đêm ghi nhận hôm 2/3 thậm chí đã lên tới 6,38%. Lãi suất các kỳ hạn khác thời điểm này cũng khá cao với kỳ hạn 1 tuần là 6,48%; kỳ hạn 2 tuần là 5,98%; kỳ hạn 1 tháng là 7,4%...

Ở góc độ tích cực, việc lãi suất liên ngân hàng đã tăng trở lại sau khi giảm sâu vào thời kỳ cuối tháng 3 cho thấy, nhu cầu vốn đầu vào tại một số ngân hàng đã gia tăng mạnh hơn sau thời kỳ trầm lắng, qua đó phát đi tín hiệu về tín dụng ngân hàng có thể đang nhúc nhích tăng tốc. Trước đó về diễn biến tín dụng của nền kinh tế, số liệu từ NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng đầu năm 2023 mới đạt 2,08%, đây là mức tăng trưởng thấp hơn khá nhiều so với tăng trưởng 5,04% của tín dụng quý I/2022.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN thì cho rằng, tín dụng tăng chậm trong quý đầu năm là yếu tố thông thường do nhu cầu vay thường chậm, ít nhiều do ảnh hưởng của đợt nghỉ Tết. Tuy nhiên, ông Tú cũng có sự đánh giá về thực tế mà các ngân hàng và nền kinh tế đang phải đối mặt là tình trạng một số doanh nghiệp khó khăn đơn hàng, tồn kho còn nhiều, sản xuất ngưng trệ nên nhu cầu vốn luân chuyển giảm sút.

Ngân hàng Nhà nước không hạ trần lãi suất tối đa cho vay qua đêm

Một trong những điểm đáng chú ý trong một loạt các văn bản điều hành lãi suất lần gần đây nhất là dù nhiều loại lãi suất khác được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh giảm, nhưng NHNN không giảm trần lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng. Cụ thể, tại Quyết định số 574/QĐ-NHNN ngày 31/3/2023, lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng vẫn giữ nguyên ở mức 6%/năm.

Thực tế thời gian qua, ngành Ngân hàng cũng đã thực hiện một loạt các hành động thúc đẩy các hoạt động cho vay, gần đây nhất và việc bắt tay triển khai gói hỗ trợ lãi suất cho vay nhà ở xã hội (gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng). Đồng thời, NHNN cũng tiếp tục đôn đốc các ngân hàng đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Một trong những giải pháp khác mà NHNN và các ngân hàng đang thực hiện là tăng cường kết nối, trao đổi giữa ngân hàng và doanh nghiệp để tháo gỡ gó khăn, khơi thông dòng vốn tín dụng.

Với bối cảnh hiện tại, việc nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp gia tăng trở lại khiến cho nhu cầu vốn của một số ngân hàng gia tăng trên thị trường liên ngân hàng, cũng là yếu tố bình thường theo quy luật cung cầu. Đặc biệt, lãi suất liên ngân hàng dù có tăng trong một số thời điểm, nhưng lãi suất cho vay qua đêm vẫn chỉ ở mức 5,06% - vẫn còn thấp hơn khá nhiều so với trần lãi suất 6% theo quy định hiện hành của NHNN.

Diễn biến này cho thấy, lãi suất liên ngân hàng tuy có tăng nhanh trong giai đoạn đầu tháng 4, nhưng các ngân hàng vẫn duy trì ổn định khả năng kiểm soát thanh khoản. Mặc dù vậy, diễn biến tăng của lãi suất liên ngân hàng cho thấy, thị trường chưa thể kỳ vọng dòng tín dụng sẽ “bơm” mạnh ra thị trường quá nhiều trong thời gian tới, bởi lẽ các ngân hàng sẽ vẫn cần cân đối các yếu tố đầu vào - đầu ra để có thể điều tiết dòng tiền hợp lý./.