Tích cực cung cấp thanh khoản tiền Đồng

Báo cáo thị trường tiền tệ tuần của SSI Research cho biết, trong tuần trước, thanh khoản trên hệ thống ngân hàng không còn quá dồi dào và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đồng thời thực hiện cung cấp thanh khoản thông qua kênh hoạt động thị trường mở và nghiệp vụ mua ngoại tệ.

Cụ thể, trên kênh hoạt động thị trường mở, tuần qua, NHNN tăng mạnh khối lượng chào thầu trên kênh mùa kỳ hạn (tổng cộng 160 nghìn tỷ đồng, từ mức 40 nghìn tỷ đồng) ở 2 kỳ hạn 7 ngày, 28 ngày và lãi suất cố định 5,0%. Tổng khối lượng trúng thầu đạt 66,8 nghìn tỷ đồng, trong đó kỳ hạn 7 ngày là 29,3 nghìn tỷ đồng và 28 ngày là 37,4 nghìn tỷ đồng.

Trong tuần qua, chênh lệch lãi suất VND - USD kỳ hạn qua đêm duy trì ở trạng thái dương.

Tuần qua, NHNN không chào thầu trên kênh bán tín phiếu. Kết tuần, khối lượng lưu hành trên kênh tín phiếu duy trì ở mức 110,7 nghìn tỷ đồng và trên kênh cầm cố ở 71,4 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, NHNN cũng đã bơm một lượng lớn tiền đồng vào thị trường thông qua việc mua USD bổ sung dự trữ ngoại hối.

Lãi suất ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng ở kỳ hạn ngắn

Báo cáo của SSI Research cho biết thêm, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục bật tăng ở kỳ hạn dưới 1 tháng. Cụ thể, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm kết tuần ở 5,4%, tăng 30 điểm cơ bản so với tuần trước đó và lãi suất 1 tuần đến 1 tháng dao động 5,4% - 5,6%. “Đường cong lãi suất gần như phẳng, phản ánh thị trường đánh giá những thiếu hụt thanh khoản chỉ mang tính chất tạm thời” - chuyên gia của SSI Research cho hay.

Ngân hàng Nhà nước mua USD bổ sung dự trữ ngoại hối

Tại thị trường ngoại hối trong nước, tuần qua, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá tự do và tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng không có nhiều sự thay đổi, hiện đang dao động quanh mức giá mua trên Sở Giao dịch NHNN (23.450 VND/USD).

Lãi suất ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng ở kỳ hạn ngắn

Trong tuần, NHNN tiếp tục thực hiện nghiệp vụ mua ngoại tệ với khối lượng khá lớn nhằm bổ sung ngoại hối. Trên thực tế, nguồn cung ngoại tệ khá tích cực trong thời gian qua, đến từ dòng vốn FDI giải ngân, thặng dư cán cân thương mại hay dòng tiền gián tiếp từ các thương vụ bán vốn hoặc giải ngân các khoản vay ngoại tệ.

Trong khi đó, trên thế giới, hai chỉ số liên quan đến lạm phát của Mỹ trong tháng 3 đã được công bố trong tuần trước, với xu hướng vẫn chưa thực sự rõ ràng. Chỉ số CPI chỉ tăng 5,0% so với cùng kỳ, thấp hơn con số dự đoán 5,1% và đánh dấu tháng thứ 9 liên tiếp số liệu này đi xuống. Tiếp đến, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 3 cũng giảm mạnh nhất trong vòng gần 3 năm qua.

Ở chiều ngược lại, lạm phát cơ bản duy trì ở mức cao (5,6%), trong đó giá thuê nhà mặc dù đã hạ nhiệt, giá các hàng hóa dịch vụ khác vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể và kéo theo rủi ro mặt bằng lãi suất cao có thể sẽ kéo dài. Điều này đã giúp chỉ số DXY có diễn biến tích cực trong tuần, trước khi giảm mạnh sau công bố của Bộ Thương mại Mỹ. DXY tiếp tục giảm 0,5% so với cuối tuần trước, trong đó các đồng tiền chủ chốt có diễn biến trái ngược. EUR tăng 0,8%, khi JPY giảm tới 1,23%./.