PV: Năm 2023, kinh tế trong nước tiếp tục chịu tác động của kinh tế thế giới với nhiều dấu hiệu suy thoái, lạm phát gia tăng. Ông đánh giá thế nào về bức tranh hoạt động sản xuất kinh doanh, giá cả tiêu dùng và chỉ số lạm phát của Việt Nam từ đầu năm đến nay?

Lạm phát năm 2023 dự báo nằm trong tầm kiểm soát
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh: Trong quý I/2023, thị trường hàng hóa thế giới chịu tác động đan xen bởi nhiều yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội đã và đang tác động đến nền kinh tế Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng, hoạt động kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. CPI bình quân quý I/2023 chỉ tăng khoảng 4,2 - 4,3% so với cùng kỳ năm 2022. Diễn biến lạm phát cơ bản cho thấy đang có xu hướng giảm tốc, trừ tháng 1/2023 trùng với dịp Tết Nguyên đán nên tăng cao.

Những nguyên nhân giúp cho CPI giảm áp lực trong thời gian qua có thể kể đến giá xăng dầu trong nước giảm khoảng 11% theo giá thế giới, tác động làm CPI quý I/2023 giảm khoảng 0,4%; giá gas trong nước giảm khoảng 1,8% theo giá thế giới, tác động làm CPI giảm khoảng 0,03%; chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm khoảng 0,3%, tác động làm CPI giảm khoảng 0,01%.

Điểm sáng đáng ghi nhận của nền kinh tế là chỉ số doanh thu bán lẻ trong quý I/2023 đã tăng 14,9%, thể hiện mức tiêu dùng của xã hội đã tăng lên một cách đáng kể. Chính điều này đang tạo ra cầu tiêu dùng cho sản xuất kinh doanh.

Thời gian trước đây, chúng ta thấy từ tháng 10/2023 đến đầu năm 2023, rất nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng vì thế đã xuất hiện hiện tượng cho công nhân nghỉ việc không lương hoặc giãn ca làm việc. Tuy nhiên đến nay, số liệu thống kê của 3 tháng đầu năm 2023 cho thấy, thị trường việc làm đã thu hút lại toàn bộ số công nhân bị mất việc vào cuối năm 2022. Đây là điều đáng mừng.

Điểm sáng thứ 2 là hoạt động xuất nhập khẩu có tăng trưởng trở lại đối với một số ngành hàng, từ đó giúp cho sản xuất kinh doanh ấm lên. Giá cả các mặt hàng về cơ bản đang theo chiều hướng ổn định, chỉ tăng nhẹ ở một số nhóm hàng theo thống kê của Tổng cục Thống kê.

Như vậy có thể hy vọng, quý II/2023 và những tháng tiếp theo của năm 2023 chỉ số phát triển kinh tế và kiềm chế lạm phát sẽ tốt hơn so với quý I/2023 vừa qua.

Lạm phát năm 2023 dự báo nằm trong tầm kiểm soát

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

PV: Bên cạnh những chỉ dấu tích cực, hiện nay cũng có khó khăn của nền kinh tế, giá mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, giá điện, dịch vụ công có dấu hiệu tăng lên sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, phục hồi kinh tế cũng như mục tiêu kiềm chế lạm phát 4,5% năm 2023 đã được Quốc hội đề ra. Ông bình luận thế nào về thách thức này?

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh: Trước hết, chúng ta thấy giá xăng dầu trong khoảng thời gian gần đây đã tăng lên do giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng, nhưng theo tôi, vẫn đang nằm trong tính toán của doanh nghiệp và Nhà nước, đảm bảo không để tác động quá nóng đến giá cả thị trường và đẩy chỉ số lạm phát tăng mạnh như giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022.

Thứ hai, đối với giá điện và một số giá dịch vụ công sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh làm giảm tăng trưởng. Vì thế, Chính phủ cũng đang rất cân nhắc đến việc tăng giá thế nào, bao nhiêu để từ đó làm giảm áp lực của việc tăng giá đối với sản xuất kinh doanh, cũng như đời sống xã hội, làm giảm áp lực với lạm phát.

Giá điện sẽ tác động ngay đến tình hình sản xuất kinh doanh, đời sống người dân, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vì thế, Chính phủ cũng đang nghiên cứu xem xét để có kịch bản tăng giá điện phù hợp với điều kiện thực tế và ít ảnh hưởng nhất đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Kiểm soát lạm phát bình quân năm 2023 khoảng 4,5%

Bộ Tài chính đã đưa ra kịch bản lạm phát quý II/2023 và các tháng còn lại của năm 2023. Theo đó, Bộ Tài chính dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2023 tăng trong khoảng 3,9 - 4,8%. Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,8% - 4,8%. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự báo lạm phát bình quân năm 2023 tăng trong khoảng 4,3 ± 0,5%.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu kịch bản CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong các tháng còn lại, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng 0,52% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2023 khoảng 4,5%.

Tôi cho rằng, với kinh nghiệm điều tiết và điều hành giá cả của Chính phủ và các bộ, ngành chuyên trách như Bộ Tài chính, Công thương những năm gần đây, đặc biệt là năm 2022 vừa qua (chỉ số lạm phát chỉ xấp xỉ mức Quốc hội đề ra trong khi nhiều nước trên thế giới có mức lạm phát rất cao) thì mức tăng lạm phát sẽ trong tầm kiểm soát như Quốc hội, Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước đã dự trù. Cá nhân tôi cho rằng, chỉ số CPI năm 2023 chỉ trong khoảng 3,5% - 3,7%

PV: Chính phủ vừa ban hành Nghị định 12/2023/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất trong năm 2023. Ông đánh giá thế nào về tác động của gói tài khóa này đến việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát năm 2023?

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh: Tôi cho rằng, gói tài khóa này “rất trúng” vào thời điểm hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Doanh nghiệp đánh giá rất cao quyết định của Chính phủ và Bộ Tài chính trong việc giãn, hoãn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất…

Theo kinh nghiệm gói tài khóa năm 2022, doanh nghiệp sẽ tính toán được ngay có bao nhiêu tiền chưa phải đóng thuế và dùng số tiền này đưa vào sản xuất kinh doanh để đem lại hiệu quả, giúp cho tài chính của doanh nghiệp trở nên mạnh mẽ hơn, trong điều kiện doanh nghiệp rất cần nguồn tài chính để phục hồi tăng trưởng. Đối với những doanh nghiệp đang đối mặt với khó khăn trong sản xuất kinh doanh, sẽ thoát cảnh phải rút khỏi thị trường như đã xảy ra trong quý I/2023 vừa qua.

Đồng thời với gói tài khóa theo Nghị định 12/2023/NĐ-CP, hy vọng gói hỗ trợ giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% đang được Bộ Tài chính đề xuất với Chính phủ được Quốc hội thông qua sẽ góp phần làm giảm giá hàng hóa trên thị trường, thúc đẩy tiêu dùng, đồng thời góp phần giảm chỉ số CPI trong năm 2023.

PV: Xin cảm ơn ông!

Giảm 2% thuế giá trị gia tăng - tín hiệu vui cho doanh nghiệp và nền kinh tế

Mới đây, Bộ Tài chính đã dự thảo nghị định của Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) với hàng hoá, dịch vụ có thuế suất 10%, cơ sở kinh doanh khi xuất hoá đơn sẽ được giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm để tính thuế. Chính sách này dự kiến áp dụng đến hết năm 2023, đã thu hút được sự quan tâm của chuyên gia kinh tế và hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo Bộ Tài chính, việc áp dụng tiếp chính sách này năm nay là cần thiết nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi và đóng góp trở lại ngân sách. Dự kiến, nếu áp dụng giảm thuế GTGT như đề xuất, ngân sách sẽ giảm thu khoảng 5.800 tỷ đồng/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35.000 tỷ đồng.

Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán ngân sách, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế. Đồng thời, quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.

Theo nhận định của chuyên gia, phương án giảm thuế cho tất cả nhóm hàng hoá, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% có mức độ tác động, tính lan toả và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hấp thụ tích cực hơn.