Long An: Bàn giải pháp giữ chân người lao động sau đại dịch Covid-19
Đại biểu đặt câu hỏi tại hội thảo. Ảnh: CTV

Đại diện Bộ Lao động, Thương binh – Xã hội (LĐTB&XH), chính quyền địa phương, các doanh nghiệp cùng các diễn giả đã thảo luận cho rằng, đại dịch Covid-19 đã gây ra những thay đổi lớn cho thị trường lao động và ảnh hưởng sâu sắc đến doanh nghiệp và người lao động trên cả nước.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2022, cả nước vẫn còn hơn 16,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Một khảo sát khác được thực hiện giữa ManpowerGroup Việt Nam và Viện Khoa học, Lao động - Xã hội (thuộc Bộ LĐTB&XH) năm 2021 cũng hé lộ hơn 1/5 doanh nghiệp (21%) ngành sản xuất và chế biến chế tạo có vốn đầu tư nước ngoài hiện cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và tuyển dụng đủ số lượng nhân lực có kỹ năng phù hợp. Trong khi đó, nhu cầu về nhân lực trên cả nước được dự đoán sẽ tiếp tục tăng để theo kịp đà phục hồi và phát triển kinh tế.

Theo kết quả cuộc khảo sát nhanh do ManpowerGroup Việt Nam thực hiện vào đầu tháng 6 năm 2022, doanh nghiệp tại Long An đang đối mặt với nhiều thách thức khác nhau trong quản trị nhân sự. Gần 40% nhà tuyển dụng cho biết họ không thể tuyển dụng đủ số lượng lao động như mong muốn, 31% chia sẻ mức lương và phúc lợi họ mang đến cho người lao động chưa đủ cạnh tranh và khoảng 1/3 doanh nghiệp (32%) thừa nhận tỉ lệ nghỉ việc tại doanh nghiệp đang khá cao.

Ông Phạm Anh Thắng - Phó Chánh Văn phòng, Bộ Lao động Thương binh - Xã hội - Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, đây vừa là dịp và là cơ hội để các nhà quản lý, các chuyên gia làm công tác nhân sự tại doanh nghiệp có cái nhìn thực chất hơn về tình hình lao động, cùng nhau trao đổi sâu hơn về thực trạng thị trường lao động trên địa bàn tỉnh; các xu hướng và mong muốn mới của người lao động sau đại dịch … từ đó gợi ý các giải pháp hướng tới thu hút, giữ chân và gắn kết người lao động cho sự phát triển bền vững và lâu dài của doanh nghiệp.”

Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp cần thấu hiểu rõ tầm quan trọng của các phúc lợi đối với người lao động, được thể hiện qua nhiều hình thức phúc lợi đa dạng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, một vài phúc lợi mà người lao động kỳ vọng hiện vẫn chưa thực hiện được, trong đó có chương trình đào tạo và phát triển kỹ năng, phụ cấp ăn trưa, chế độ giờ làm việc linh hoạt hay chương trình thi đua khen thưởng...

Theo các diễn giả, trong rất nhiều lựa chọn về chính sách lương và phúc lợi dành cho người lao động, doanh nghiệp cần lựa chọn các ưu tiên dựa trên mong muốn thực tế của nhân viên, đồng thời vẫn theo đúng định hướng kinh doanh và tầm nhìn dài hạn của tổ chức, đặc biệt trong điều kiện hạn hẹp về nguồn lực./.