Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao, Công ty chứng khoán KIS Việt Nam xung quanh những nội dung được đưa ra tại Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi lần này.

PV: Thưa ông, dự thảo Luật Chứng khoán lần này có rất nhiều nội dung được cụ thể hóa, ông đánh giá như thế nào về những điểm mới được nêu ra tại Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đang chuẩn bị được trình Quốc hội?

Những nội dung được đưa ra lần này kỳ vọng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, tính minh bạch trong hoạt động chào bán ra công chúng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán phát triển
Luật Chứng khoán sửa đổi: Bổ sung nhiều quy định thúc đẩy thị trường phát triển theo chiều sâu
Ông Trương Hiền Phương

Ông Trương Hiền Phương: Dự thảo tập trung vào cải thiện quy trình, quy chế phù hợp với xu hướng phát triển tất yếu mới, trong đó điểm nổi trội chính là giúp cho thị trường chứng khoán (TTCK) tiệm cận hơn với mô hình của thị trường các nước phát triển trên thế giới.

Bên cạnh đó, cũng tạo điều kiện để cơ quan quản lý quản lý sâu sát hơn làm thị trường lành mạnh hơn, tốt hơn.

Các đổi mới tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài được tham gia giao dịch một cách thuận lợi hơn, tốt hơn.

PV: Theo ông, những quy định tại dự thảo Luật lần này đã hướng tới mục tiêu nâng cao tính minh bạch, thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán, đặc biệt đối với những quy định về hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng không, thưa ông?

Ông Trương Hiền Phương: Những nội dung được đưa ra lần này kỳ vọng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, tính minh bạch trong hoạt động chào bán ra công chúng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán phát triển.

TTCK thuộc về thị trường vốn nên nhà đầu tư tăng được tính minh bạch, tính công khai, tính bình đẳng, công bằng thì các nhà đầu tư tham gia vào TTCK nhiều hơn, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường vốn của Việt Nam.

PV: Một nội dung khác được dư luận khá quan tâm, liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Trong đó dự thảo Luật hướng thị trường TPDN riêng lẻ tới tổ chức chuyên nghiệp và nhà đầu tư các nhân chuyên nghiệp. Ông nhìn nhận như thế nào về việc này? Thông lệ quốc tế tại các nước thì quy định này được thực hiện ra sao?

Ông Trương Hiền Phương: Việc cải tiến này vẫn đang nằm trong quá trình phát triển tất yếu của thị trường. Cơ quan quản lý cũng đã nhận ra một số vấn đề khi mà thị trường trái phiếu gặp nhiều bất lợi, đặc biệt là năm 2021-2022 và hệ quả kéo theo năm 2023 thị trường trái phiếu sụt giảm nhiều, đến năm 2024 thị trường mới hồi phục dần. Những điều chỉnh này giúp cho thị trường phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Luật Chứng khoán sửa đổi: Bổ sung nhiều quy định nhằm thúc đẩy thị trường phát triển theo chiều sâu
Luật Chứng khoán sửa đổi: Bổ sung nhiều quy định nhằm thúc đẩy thị trường phát triển theo chiều sâu. Ảnh: T.L

Việc quy định nhà đầu tư, tổ chức được mua, giao dịch TPDN riêng lẻ sẽ thúc đẩy phát triển nhà đầu tư tổ chức, đây là đối tượng nhà đầu tư có năng lực tài chính, có kinh nghiệm và kiến thức đầu tư, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đồng thời, việc quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân được tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng TPDN riêng lẻ bảo đảm định hướng nhà đầu tư đầu tư an toàn, công khai, minh bạch hơn.

Thông lệ trên thế giới, mỗi quốc gia mỗi thị trường có những quy định khác biệt nhau, tuy nhiên xu hướng chung đều hướng tới nhà đầu tư tổ chức và cá nhân chuyên nghiệp.

Chúng ta đang hướng đến cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu là nhà đầu tư có tính chuyên nghiệp cao, có sự am hiểu về thị trường nhiều hơn. Việc cải tiến này đang giúp hướng đến thông lệ chung trên thế giới. Bên cạnh đó, những yêu cầu quy định cũng dần hoàn thiện hơn như cần có xếp hạng tín nhiệm.

Bản chất TPDN là sản phẩm tài chính mang tính chất trung và dài hạn, có độ rủi ro cao do kỳ hạn trái phiếu tương đối dài, trong khi đó hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có thể có gặp các yếu tố không thuận lợi, khó có thể dự đoán được trong tương lai. Do đó, nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với các rủi ro liên quan đến khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu trong tương lai.

Chính vì thế, theo thông lệ chung tại các nước, chỉ có số lượng nhỏ “nhà đầu tư đáp ứng điều kiện” hay “nhà đầu tư chuyên nghiệp” mới được tham gia mua TPDN phát hành riêng lẻ. Những nhà đầu tư này có năng lực đánh giá, phân tích tình hình doanh nghiệp và chấp nhận rủi ro đối với các khoản đầu tư.

PV: Xin cảm ơn ông!