Đấu tranh, xác định trọng điểm

Trong suốt hơn 3 năm, Tổng cục Hải quan đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị hướng dẫn các đơn vị thực hiện đồng bộ những giải pháp chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Tổng cục Hải quan thường xuyên chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ như Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Kiểm tra sau thông quan, các cục hải quan địa phương chủ động nghiên cứu các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn xác định xuất xứ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu; nghiên cứu hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của một số doanh nghiệp, từ đó xác định những rủi ro, phương thức, thủ đoạn gian lận, giả mạo xuất xứ.

Công tác thu thập, phân tích thông tin trong và ngoài nước được tăng cường để xác định mặt hàng, doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao; rà soát xác định những giao dịch, công ty xuất nhập khẩu có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đột biến so với năng lực, quy mô sản xuất để tiến hành thu thập, củng cố thông tin, tiến hành xác minh, điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm.

Trong hoạt động đấu tranh trực tiếp, cơ quan hải quan tăng cường thực hiện các kế hoạch chuyên đề để xác minh theo ngành hàng, đối tượng cụ thể. Như trong năm 2021 xác định 15 nhóm mặt hàng trọng điểm có nguy cơ cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Đồng thời, lực lượng hải quan chú trọng xác định mặt hàng trọng điểm là hàng hoá có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng như đồ thời trang (quần áo, giày dép, túi xách...) giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng, các loại hàng hóa thực phẩm, đồ uống kém chất lượng, sai quy định về nhãn mác; các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch Covid-19…

Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Hồng Vân

Qua kết quả đấu tranh, cơ quan hải quan đã phát hiện một số phương thức, cách thức, thủ đoạn gian lận xuất xứ như: doanh nghiệp nhập hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam, dán mác hàng hóa xuất xứ Việt Nam sau đó xuất khẩu, hoặc doanh nghiệp có dây chuyền máy móc nhưng sản phẩm xuất khẩu không đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ Việt Nam theo quy định của pháp luật. Có tình trạng hàng hóa được đặt sản xuất ở nước ngoài trước khi nhập khẩu về Việt Nam, nhưng các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở được ghi sẵn bằng tiếng Việt và dòng chữ “Made in Vietnam” hoặc “sản xuất tại Việt Nam” trên sản phẩm, bao bì sản phẩm để lừa dối người tiêu dùng.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp khai nhập khẩu các loại linh kiện/nguyên vật liệu để sản xuất, gia công xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước nhưng thực chất là sản phẩm gần như hoàn chỉnh, không trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc chỉ trải qua công đoạn gia công, lắp ráp đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định. Trắng trợn hơn, có doanh nghiệp không có chức năng cấp C/O (chứng nhận xuất xứ hàng hóa) nhưng đã tự thiết kế mẫu C/O để cấp cho doanh nghiệp khác xuất khẩu.

Một số đối tượng lợi dụng việc phân luồng miễn kiểm tra thực tế hàng hóa để gian lận về số lượng, chủng loại; khai sai, không khai báo trên tờ khai nhãn hiệu của hàng hoá nhập khẩu; hàng quá cảnh; hàng nhập lậu qua đường mòn, lối mở; trà trộn hàng hoá vi phạm và hàng hoá không vi phạm để nhập lậu.

Tạo hành lang pháp lý thuận tiện hơn

Bước sang năm 2022, tình hình buôn lậu, gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp dự báo sẽ còn tiếp diễn phức tạp khi các quy định về phòng chống dịch được nới lỏng; lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, hành khách, phương tiện xuất nhập cảnh tăng mạnh.

Điển hình như mới đây, qua kiểm tra sau thông quan đối với một số thành phẩm kệ các loại xuất khẩu của Công ty TNHH MTV PANGLORY (Tây Ninh), Cục Hải quan Tây Ninh đã phát hiện doanh nghiệp sử dụng tự chứng nhận xuất xứ Việt Nam trên tờ khai hải quan và in trên nhãn hàng hóa, bao bì các thành phẩm dòng chữ “MADE IN VIETNAM” không đúng theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, Thông tư số 05/2016/TT-BCT ngày 3/4/2018 của Bộ Công thương quy định về xuất xứ hàng hóa.

Doanh nghiệp này đã bị xử phạt 140 triệu đồng và buộc lại số tiền trên 2,9 tỷ đồng thu lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm; đồng thời cải chính thông tin sai sự thật về xuất xứ hàng hóa.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về lĩnh vực xuất xứ hàng hóa

Để tiếp tục đấu tranh hiệu quả với các hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa, tới đây, ngành Hải quan sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về lĩnh vực xuất xứ hàng hóa trên cơ sở Nghị định 31/2018/NĐ-CP, để tạo hành lang pháp lý giúp các lực lượng chức năng thuận tiện trong quá trình thực thi pháp luật bởi trên thực tế, việc xử lý vi phạm liên quan đến gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp vẫn gặp nhiều khó khăn do quy định hiện hành chưa rõ ràng, chưa cụ thể thế nào là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam.

Một vụ việc khác cũng khá điển hình là vụ phát hiện, bắt giữ lô hàng giả mạo các nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton của Công ty TNHH SH Logististic (Lạng Sơn) quá cảnh qua cửa khẩu Mộc Bài. Với hành vi vận chuyển hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và khai sai so với thực tế về số lượng, công ty này đã bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 93 triệu đồng.

Tại thị trường nội địa, các đơn vị quản lý thị trường cùng lực lượng chức năng cũng phát hiện hàng trăm vụ việc vi phạm chủ yếu là các mặt hàng mỹ phẩm, quần áo, đồ gia dụng… có dấu hiệu nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đa phần các mặt hàng này được chào bán qua hình thức livestream, zalo, facebook…. Chủ cơ sở chưa chứng minh được nguồn gốc xuất xứ số hàng hóa.

Cùng với đó, Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội ngành hàng... để thực hiện kiểm tra, đối chiếu. Đồng thời, lực lượng hải quan tăng cường hiệu quả hợp tác quốc tế, chủ động sẵn sàng kết nối trao đổi thông tin, hợp tác chặt chẽ với cơ quan hải quan các nước và văn phòng liên lạc tình báo khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), để kịp thời thu thập thông tin và phối hợp xác minh C/O có dấu hiệu vi phạm.

Tăng cường kiểm soát xuất xứ mặt hàng gạo nhập khẩu

Nhằm phòng chống gian lận xuất xứ, ghi nhãn không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp đối với mặt hàng gạo nhập khẩu (có mã số HS 1006.20, 1006.30 và 1006.40.90) từ các thị trường sau đó xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu đi các thị trường khác, Tổng cục Hải quan đã có chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ.

Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị hải quan địa phương thực hiện kiểm tra, xác định xuất xứ cụ thể đối với hàng hóa là gạo có mã số HS 1006.20, 1006.30 và 1006.40.90 theo các quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 62/2019/TT-BTC ngày 5/9/2019), Quyết định số 4286/QĐ-TCHQ ngày 31/12/2015 và Công văn số 5189/TCHQ-GSQL ngày 13/8/2019 của Tổng cục Hải quan và các văn bản có liên quan.

Đối với lô hàng được hệ thống phân luồng kiểm tra, khi kiểm tra, công chức hải quan lưu ý kiểm tra việc ghi nhãn đảm bảo đúng quy định tại Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 9/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Thực hiện chuyển luồng kiểm tra thực tế đối với các lô hàng gạo (mã số HS 1006.20, 1006.30 và 1006.40.90) xuất khẩu theo loại hình B13 (xuất khẩu hàng đã nhập khẩu).

Trong quá trình kiểm tra kết quả nếu phát hiện doanh nghiệp có hành vi vi phạm thì tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp vụ việc có dấu hiệu gian lận phức tạp thì phối hợp với các lực lượng chức năng khác như công an, biên phòng, quản lý thị trường để điều tra, xác minh, làm rõ các dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.