Ngày 26/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024, với hình thức trực tuyến toàn quốc. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đến dự và chỉ đạo hội nghị.

Lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt mức cao nhất từ trước đến nay

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2023 là năm bản lề giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa rất quan trọng.

Trong một năm đầy khó khăn, thách thức, Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; kịp thời xử lý, phản ứng chính sách; vừa thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, vừa chú trọng xử lý những tồn đọng, những vấn đề mới phát sinh.

Năm 2024, tập trung phát triển hệ thống an sinh xã hội bao trùm, toàn diện
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Huân chương Lao động cho các tập thể, cá nhân Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ảnh: Văn Nam.

Ước cả năm 2023, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội khoảng 39,25%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm tự nguyện khoảng hơn 31,58%, đạt và vượt các mục tiêu đề ra.

Bộ đã tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp; tính đến đến ngày 30/11, tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 1.034.889 người, tăng 12,6% so cùng kỳ năm 2022, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 955.058 người, tăng 9,5%.

Trong đó, nhiều con số khả quan, tích cực, như thị trường lao động tiếp tục được phục hồi, lực lượng lao động, số người có việc làm tiếp tục tăng so với năm trước. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động mang lại những kết quả tích cực, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định.

Thị trường lao động tiếp tục được phục hồi, lực lượng lao động, số người có việc làm tiếp tục tăng so với năm trước.

Bên cạnh đó, tình trạng hàng trăm nghìn lao động bị buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý IV/2022 đã giảm nhiệt, trong các tháng cuối năm 2023.

Các chỉ số về lực lượng lao động, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có việc làm, thu nhập của người lao động cơ bản ổn định. Ước thực hiện năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27-27,5%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 2,76%, đạt mục tiêu.

Ước cả năm 2023, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 155.000 người, đạt 129% so kế hoạch năm, tăng 8,55% so năm 2022, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Việt Nam là điểm sáng trong cuộc chiến chống đói nghèo

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, năm 2023 là năm nhiều thách thức vượt cả dự báo. Sự đứt gãy chuỗi sản xuất, suy giảm đơn hàng, xung đột và những bất ổn về an ninh lương thực, an ninh năng lượng đang gây những tác động kép tới nền kinh tế toàn cầu, khiến những bước phục hồi sau đại dịch Covid-19 rất chậm chạp. Tại Việt Nam, tình trạng phải nghỉ giãn việc, giảm việc của người lao động đã xuất hiện từ quý IV năm 2022 và kéo dài suốt năm nay.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Phó Thủ tướng đánh giá cao những kết quả mà Bộ LĐ-TB&XH đã đạt được.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, trong lĩnh vực xã hội, Việt Nam là điểm sáng được quốc tế ghi nhận trong cuộc chiến chống đói nghèo, Việt Nam tăng nhiều bậc trong bảng xếp hạng những quốc gia tham gia các chỉ số đánh giá về phát triển xã hội.

Năm 2023, Việt Nam đưa được 150.000 lao động đi nước ngoài, bằng rất nhiều biện pháp, giải pháp. Việc này góp phần quan trọng với nhiệm vụ bảo đảm công ăn việc làm cho người dân. Tỷ lệ lao động qua đào tạo được nâng lên 68% (trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27 - 27,5%), cũng là một con số ấn tượng...

Năm 2024, tập trung phát triển hệ thống an sinh xã hội bao trùm, toàn diện
Toàn cảnh hội nghị.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị, năm 2024, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục tham mưu Chính phủ chương trình hành động triển khai Nghị quyết 42 của Trung ương.

Đặc biệt là quan tâm đến những vấn đề thách thức, khó khăn đặt ra, có phân công và lộ trình để sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống, đồng thời thể chế hoá các quan điểm, chủ trương, nghị quyết trong dự án của Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 7 và Luật Việc làm sửa đổi lấy ý kiến vào kỳ họp thứ 8.

Đồng thời, với việc được giao chủ trì hoàn thành khung chính sách quốc gia và chiến lược thích ứng quá trình già hóa dân số và mất cân bằng giới trong dân số, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH, cũng như các bộ, ngành phải nhận thấy đây là một thách thức rất lớn. Sẽ đến thời điểm một người lao động phải nuôi 4 - 5 người già nên phải lo vấn đề an sinh ngay từ bây giờ.

Thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH cần nghiên cứu, tham mưu, hoàn thiện mức chuẩn trợ cấp, cung cấp ưu đãi, hướng tới mức ưu đãi cao nhất trong các chính sách xã hội. Ngành chức năng đang gấp rút bổ sung hồ sơ và hoàn thiện tiêu chuẩn cho người có công.

Cùng với đó, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng, khuyến khích người lao động, người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội; hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân, khắc phục tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, cần có chế tài tốt hơn, đặc biệt trong việc thanh tra, kiểm tra với việc trốn, chậm đóng bảo hiểm xã hội...

Tại hội nghị, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì tặng hai tập thể (Cục Quan hệ lao động, tiền lương và Viện Khoa học Lao động và Xã hội) đã có thành tích xuất sắc năm 2018-2022; Huân chương Lao động hạng Ba được trao cho Bệnh viện Phục hồi và chỉnh hình chức năng Quy Nhơn; Trung tâm Điều dưỡng, phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì có thành tích xuất sắc năm 2018-2022.