Tăng tín nhiệm, kết nối hiệu quả các dòng vốn quốc tế

Công tác hội nhập quốc tế của thị trường chứng khoán (TTCK) là một phần không thể thiếu, góp phần quan trọng nâng cao vị thế của Việt Nam tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế, nâng cao mức độ tín nhiệm quốc gia, thu hút sự quan tâm của cộng đồng đầu tư quốc tế, đồng thời củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác với cơ quan quản lý TTCK các nước.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã chủ động tham gia và hội nhập vào các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu, bên cạnh ý nghĩa tích cực khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam, còn là cơ hội để quảng bá về sự phát triển mạnh mẽ của TTCK.

Diễn đàn Thị trường vốn ASEAN (ACMF) và các sáng kiến hợp tác trong ASEAN là hai trong số nhiều khung khổ hợp tác khu vực và toàn cầu mà cơ quan quản lý TTCK Việt Nam đã và đang tích cực tham gia, đóng góp một cách hiệu quả, bên cạnh việc tham gia các sáng kiến mang tính thiết thực cho TTCK như: Tài chính xanh và phát triển bền vững, Sáng kiến về quản trị công ty với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như OECD, IFC, GIZ,...

Hội nghị Xúc tiến đầu tư tại London năm 2019 đã để lại tiếng vang của Việt Nam trong giới đầu tư châu Âu. Ảnh: Mai An
Hội nghị Xúc tiến đầu tư tại London năm 2019 đã để lại tiếng vang của Việt Nam trong giới đầu tư châu Âu. Ảnh: Mai An

Trên diễn đàn của các tổ chức tài chính quốc tế trên thế giới, Việt Nam đã có một hình ảnh và vị thế mới kể từ sau khi tổ chức thành công hai sự kiện quốc tế lớn là Hội nghị Bộ trưởng Tài chính cấp cao APEC lần thứ 13 (vào tháng 9/2006) và Hội nghị Ủy ban Chứng khoán Tiểu vùng châu Á – Thái Bình Dương (APRC - tháng 11/2006), thu hút sự quan tâm của cộng đồng đầu tư quốc tế tới nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là tới TTCK Việt Nam.

Ở cấp độ toàn cầu, năm 2013, UBCKNN đã trở thành thành viên đầy đủ của Phụ lục A Biên bản Ghi nhớ hợp tác đa phương của Tổ chức Quốc tế các Ủy ban chứng khoán (MMoU IOSCO), với mục tiêu là tạo cơ chế hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý TTCK. Đây là một bước tiến quan trọng thể hiện vị thế và trách nhiệm của Việt Nam tại tổ chức quan trọng nhất của ngành chứng khoán thế giới.

Việc là thành viên chính thức từ năm 2001 và trở thành thành viên đầy đủ, ở cấp độ cao nhất của IOSCO từ năm 2013, là một thành công lớn của UBCKNN Việt Nam, góp phần vào việc hội nhập sâu thị trường vốn quốc tế. Danh tiếng và mức độ tín nhiệm của thị trường vốn Việt Nam được nâng cao, góp phần tăng khả năng hấp dẫn các luồng vốn đầu tư nước ngoài. Sự kiện này một mặt cho thấy các nỗ lực của UBCKNN trong công tác xây dựng và quản lý TTCK, đã và đang từng bước tiếp cận với các chuẩn mực và nguyên tắc quốc tế, mặt khác nâng cao uy thế và hình ảnh của UBCKNN nói riêng và của TTCK Việt Nam nói chung trong con mắt của bạn bè quốc tế, giới đầu tư tài chính và các tổ chức quốc tế khác, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Bên cạnh đó, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới với các tiêu chuẩn cao hơn đã thể hiện nỗ lực hội nhập sâu rộng của Việt Nam, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới quan trọng như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) thời gian qua đánh dấu một bước tiến của TTCK Việt Nam. Các đối tác trong CPTPP và EVFTA đều là các quốc gia giữ vị trí quan trọng trên bản đồ thương mại dịch vụ thế giới… Nội dung cam kết được đưa ra ở mức cao hơn so với cam kết của Việt Nam trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mở cửa thị trường đi kèm với cơ chế minh bạch hóa và bảo hộ đầu tư giúp tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, công khai, ổn định, giúp các NĐT nước ngoài dễ dàng hơn trong tiếp cận thông tin và đầu tư vào Việt Nam.

Các diễn giả giới thiệu về cơ hội đầu tư vào Việt Nam tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tài chính tại Hàn Quốc tháng 4/2018. Ảnh: Mai An
Các diễn giả giới thiệu về cơ hội đầu tư vào Việt Nam tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tài chính tại Hàn Quốc tháng 4/2018. Ảnh: Mai An

Công tác hợp tác và hội nhập quốc tế đã tập trung đẩy mạnh hoạt động quảng bá TTCK và kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong đó có việc tổ chức những hoạt động xúc tiến đầu tư hiệu quả tại nước ngoài. Nhiều sự kiện xúc tiến đầu tư được tổ chức từ năm 2014 đến 2019 tại các thị trường tài chính lớn của thế giới và khu vực như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, tạo kênh đối thoại chính sách thực chất giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp, NĐT nước ngoài, đưa TTCK Việt Nam đến gần hơn và hấp dẫn hơn với cộng đồng đầu tư quốc tế.

UBCKNN đã đưa ra hàng loạt giải pháp hỗ trợ thị trường, đặc biệt là các giải pháp nhằm thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, như quy định về tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính cho NĐT nước ngoài, rút ngắn chu kỳ thanh toán từ T+3 xuống T+2, và gắn cổ phần hóa và đại chúng hóa với lên sàn chứng khoán. Các giải pháp nêu trên thể hiện rõ mục tiêu mà TTCK Việt Nam đang hướng tới, đó là hội nhập quốc tế, thực hiện nâng hạng cho TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên mới nổi, tiếp cận với các chuẩn mực chung của thế giới.

Tiếp tục hội nhập để xây dựng thị trường chứng khoán xanh, bền vững

Tăng cường hợp tác và mở cửa hội nhập với thế giới là yêu cầu bắt buộc để một TTCK có thể phát triển và khẳng định vị trí của mình trên bản đồ thị trường vốn quốc tế. Tại Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 40/QĐ-TTg ngày 7/1/2016, hội nhập kinh tế quốc tế được coi là một trụ cột quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Để công tác hợp tác và hội nhập quốc tế tiếp tục hỗ trợ hiệu quả các mục tiêu phát triển TTCK Việt Nam trong thời gian tới, UBCKNN tập trung vào các giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện mở cửa và hội nhập TTCK, liên kết với các thị trường khu vực và thế giới phù hợp với các cam kết, nguyên tắc, chuẩn mực, thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam; xây dựng chính sách hội nhập hiệu quả, nhất quán; tăng cường theo dõi, giám sát thực hiện quá trình hội nhập, kịp thời điều chỉnh hợp lý, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của quá trình này.

Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì Hội nghị cấp Chủ tịch Diễn đàn Thị trường vốn ASEAN lần thứ 33.
Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì Hội nghị cấp Chủ tịch Diễn đàn Thị trường vốn ASEAN lần thứ 33.

Đồng thời, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, pháp lý cho quá trình hội nhập TTCK quốc tế, trước mắt là liên kết vào các TTCK khu vực ASEAN; hoàn thiện các quy định và tiêu chuẩn trên TTCK phù hợp với các tiêu chuẩn nội khối ASEAN. Xây dựng cơ chế hợp tác, chia sẻ thông tin và giám sát giữa cơ quan quản lý TTCK Việt Nam với các cơ quan quản lý và các tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK. Cùng với đó, sẽ tiếp tục các giải pháp để mở cửa và hội nhập, hướng tới xây dựng TTCK xanh và bền vững, phù hợp với chiến lược phát triển tổng thể của nền kinh tế. Chủ động ứng dụng thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 vào lĩnh vực chứng khoán, hướng tới xây dựng nền tài chính số trong lĩnh vực chứng khoán.

Cơ quan quản lý cũng sẽ hoàn thiện hơn nữa hệ thống cơ chế, chính sách quản lý nhằm tăng cường thu hút và khai thác tối đa nguồn vốn nước ngoài phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong từng giai đoạn.

Hợp tác quốc tế, bao gồm cả hợp tác song phương và đa phương cần hướng tới tăng cường hợp tác song phương trong quan hệ với các đối tác quan trọng, nâng cao vị thế quốc gia trong các diễn đàn hợp tác đa phương, là thành viên tích cực, có trách nhiệm, thúc đẩy sự phát triển thị trường vốn trong khu vực và trên thế giới. Gắn với từng chủ đề, lĩnh vực hợp tác cụ thể, xây dựng kế hoạch phát triển quan hệ với từng đối tác, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các mục tiêu phát triển TTCK Việt Nam.

Bên cạnh đó, UBCKNN sẽ khai thác có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực trong lĩnh vực TTCK, góp phần tích cực vào công tác xây dựng và thực thi chính sách phát triển TTCK. Tăng cường sự phối hợp gắn kết, nâng cao sự hỗ trợ của các quốc gia phát triển, các thể chế tài chính có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính để góp phần củng cố bền vững tài chính, theo đó đóng góp vào sự phát triển bao trùm và bền bỉ của nền kinh tế. Ngoài ra, thực hiện có trách nhiệm các cam kết hội nhập trong lĩnh vực tài chính và dịch vụ chứng khoán mà Việt Nam đã đưa ra. Theo đó, cần rà soát tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật áp dụng đối với TTCK, các cam kết quốc tế, hiệp định, các thỏa thuận song và đa phương có liên quan đến lĩnh vực chứng khoán mà Việt Nam đã hoặc sẽ tham gia ký kết để có sự chủ động khi đưa vào thực thi.

Từng bước tiếp cận với các chuẩn mực và nguyên tắc quốc tế

Việc là thành viên chính thức từ năm 2001 và trở thành thành viên đầy đủ, ở cấp độ cao nhất của IOSCO từ năm 2013, là một thành công lớn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Việt Nam, góp phần vào việc hội nhập sâu thị trường vốn quốc tế. Danh tiếng và mức độ tín nhiệm của thị trường vốn Việt Nam được nâng cao, góp phần tăng khả năng hấp dẫn các luồng vốn đầu tư nước ngoài. Sự kiện này một mặt cho thấy các nỗ lực của UBCKNN trong công tác xây dựng và quản lý thị trường chứng khoán, đã và đang từng bước tiếp cận với các chuẩn mực và nguyên tắc quốc tế, mặt khác nâng cao uy thế và hình ảnh của UBCKNN.