Nếp Long An tươi tăng 50 đồng/kg, giá lúa gạo đi ngang trên diện rộng
Nếp Long An tươi tăng 50 đồng/kg ngày 21/3. Ảnh: TL

Giá lúa gạo lặng sóng

Theo đó, tại An Giang, giá lúa IR 50404 trong khoảng 5.900 - 6.000 đồng/kg; lúa Nàng Hoa 9 được thu mua với giá 6.100 - 6.200 đồng/kg; lúa OM 5451 vào khoảng 6.100 - 6.300 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 được thương lái thu mua với giá trong khoảng 6.300 - 6.500 đồng/kg. Trong khi đó, giá lúa OM 18 trong khoảng 6.300 - 6.500 đồng/kg; giá lúa Nhật vào khoảng 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa Nàng Nhen (khô) ổn định ở mức 13.000 đồng/kg.

Riêng tại Long An, giá nếp tươi tăng 50 đồng/kg. Hiện, loại nếp này có giá trong khoảng 6.650 - 7.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, nếp AG (tươi) có giá trong khoảng 6.300 - 6.500 đồng/kg, nếp ruột duy trì giá vào khoảng 14.000 - 15.000 đồng/kg, nếp AG (khô) tiếp tục tạm ngừng khảo sát.

Hiện giá gạo nguyên liệu, thành phẩm ở mức 9.150 đồng/kg; gạo thành phẩm 10.100 đồng/kg.

Tại chợ An Giang, mặt hàng gạo lặng sóng. Trong đó, gạo thường có giá trong khoảng 11.500 - 12.500 đồng/kg. Gạo trắng thông dụng là 14.500 đồng/kg; gạo Sóc thường được thương lái thu mua với giá 15.000 đồng/kg; gạo thơm Jasmine trong khoảng 15.000 - 16.000 đồng/kg; gạo Nàng Hoa ở mức 18.500 đồng/kg. Gạo Sóc Thái hiện có giá 18.000 đồng/kg; riêng giá gạo thơm thái hạt dài được bán với giá trong khoảng 18.000 - 19.000 đồng/kg. Gạo Hương Lài có giá 19.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan ở mức 20.000 đồng/kg. Giá gạo Nàng Nhen và gạo Nhật có cùng mức 22.000 đồng/kg.

Cùng thời điểm khảo sát, giá cám tại chợ ổn định trong khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg.

Giá gạo xuất khẩu ngày càng cạnh tranh, người nông dân thắng lớn

Bộ Công thương vừa có báo cáo Chính phủ về kết quả xuất khẩu gạo năm 2022 và phương hướng xuất khẩu gạo năm 2023.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu gạo cho cả năm 2022 đạt 7,1 triệu tấn, đạt giá trị là 3,45 tỉ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 5,1% về kim ngạch. Giá xuất khẩu bình quân đạt 486 USD/tấn, giảm 7,7% so với năm 2021.

Tiếp tục duy trì đà xuất khẩu, kim ngạch trong tháng đầu năm 2023 đạt 359.310 tấn gạo, mang về 186,6 triệu USD. Đáng chú ý, mức giá trung bình tăng với 519,3 USD/tấn. Vì vậy, xuất khẩu dù giảm về lượng song giá tăng 6,8%.

Đánh giá chung, Bộ Công thương cho hay lượng lúa gạo đã được tiêu thụ hết cho người nông dân. Đảm bảo lợi ích người trồng lúa có lãi, bình ổn giá thóc, gạo trong nước.

Dẫn chứng, giá thành sản xuất bình quân mà Bộ Tài chính công bố là 3.219 đồng/kg. Song mức giá thóc trên thị trường là 6.650 đồng/kg. Mức giá này giúp người nông dân có lợi nhuận trên 100%.

Cơ cấu chủng loại gạo ngày càng đa dạng. Gạo trắng chiếm tỉ trọng ổn định (dưới 45%), tiếp đến là gạo thơm, gạo nếp. Các sản phẩm gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng có tỉ trọng khiêm tốn. Tuy vậy, sản phẩm này giúp đa dạng sản phẩm, đồng thời khẳng định giá trị hạt gạo xuất khẩu.

Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu Việt Nam tiếp tục giữ đà tăng trưởng từ những tháng cuối năm 2022 và duy trì ở mức cao trong đầu năm 2023. Nhiều thời điểm, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đứng đầu thế giới.

Cụ thể, giá gạo Việt Nam cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan là 15-27 USD và của Ấn Độ là 40-50 USD/tấn.