Cuộc đua tăng nhiệt, ngân hàng tự làm khó mình

Trong những ngày gần đây, cuộc đua tăng lãi suất huy động vẫn tiếp tục gia tăng sức nóng. Điều này diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng phải gia tăng sức cạnh tranh trong cuộc thu hút dòng tiền để đảm bảo đáp ứng nhu cầu vay vốn cuối năm.

Những ngày giữa tháng 11/2022, nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) lại tiếp tục cập nhật biểu lãi suất huy động mới dành cho khách hàng cá nhân, với nhiều mức lãi suất tiếp tục tăng so với trước. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng của ngân hàng này cũng tăng thêm 0,2-0,4%/năm lên 8,4-8,6%/năm đối với tiền gửi tiết kiệm online. Các kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng, 36 tháng cũng được ngân hàng này tăng thêm 0,2-0,4%. Trước đó không lâu, VPBank cũng đã tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn (tiền gửi trên tài khoản thanh toán) áp dụng với khách hàng cá nhân lên mức kịch trần 1%/năm, áp dụng từ 1/11/2022.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng mới cập nhật bảng lãi suất mới từ 17/11, với lãi suất tiền gửi online kỳ hạn 18 tháng trở lên là 8,4%; còn Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) thậm chí đưa lãi suất cao nhất lên tới 9,75% với tiền gửi onlines kỳ hạn từ 13 tháng trở lên. Ngoài ra, các kỳ hạn ngắn dưới 1 năm cũng được ngân hàng này áp dụng mức lãi suất khá cao với kỳ hạn 6 tháng cũng được hưởng lãi suất tới 9,35%/năm, kỳ hạn 9 tháng là 9,5%/năm.

Lãi suất huy động đang tăng cao.
Lãi suất huy động đang tăng cao.

Hiện nay, nhiều ngân hàng đã đưa lãi suất kỳ hạn 1 tháng lên mức khá cao, chạm mốc 6%/năm. Đó là những ngân hàng như Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank), Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kien Long Bank), Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB)…

Trước bối cảnh lãi suất huy động tăng cao, việc các ngân hàng cũng sẽ phải tăng lãi suất đầu ra là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, lãi suất cho vay sẽ khó tăng nhanh như lãi suất huy động, đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) luôn có chủ trương hướng dòng vốn tín dụng cho vay vào các lĩnh vực ưu tiên. Trong bối cảnh thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát, chủ trương trên càng được NHNN kiểm soát chặt chẽ hơn.

Thực tế, các lĩnh vực không ưu tiên (chứng khoán, bất động sản, cho vay tiêu dùng…) đều phải thắt lưng buộc bụng với tín dụng ngân hàng do tình trạng cạn “room”, trong khi đó, lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên lại không thể tăng được cao do bị khống chế bởi quy định về trần lãi suất của NHNN. Trong nội dung Quyết định số 1813/QĐ-NHNN ngày 24/10/2022, mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên tuy được điều chỉnh tăng, nhưng cũng chỉ khống chế ở mức 5,5% (trước đó là 4,5%).

Kích thích dịch vụ thanh toán

Trong bối cảnh chịu áp lực thu hẹp khoảng cách lãi suất đầu vào - đầu ra, các ngân hàng buộc phải tìm đến giải pháp tiết giảm chi phí, trong đó việc đẩy mạnh hơn nữa dịch vụ thanh toán đang là một trong những “chiếc phao” được ngân hàng đặt nhiều kỳ vọng.

Nhiều dịch vụ được các ngân hàng số hóa

Ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số như: Mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm... Tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm đạt hơn 90%; ngân hàng đã chủ động trong đầu tư, phát triển hạ tầng để bắt kịp được với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của thị trường.

Tuy nhiên, ngành ngân hàng vẫn đứng trước những thách thức về bài toán đầu tư hiệu quả, sự thay đổi thường xuyên, liên tục về nhu cầu, thị hiếu của khách hàng và thách thức từ xu hướng tội phạm công nghệ cao.

Bên cạnh cuộc đua lãi suất huy động, thì cuộc đua gia tăng các ứng dụng hỗ trợ thanh toán cũng không kém phần gay cấn. VPBank mới đây cũng đưa ra chính sách ưu đãi cho khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán: Miễn phí mọi giao dịch chuyển khoản, rút tiền/nộp tiền tại hệ thống máy ATM/CDM; miễn phí sử dụng ngân hàng số, tăng hạn mức chuyển tiền cho khách hàng... Trong khi đó, một ngân hàng lớn khác là Vietcombank cũng vừa thay đổi giao diện, trải nghiệm người dùng và tính năng đổi điểm thưởng trên ứng dụng ngân hàng số trong phiên bản ứng dụng mới nhất. Không nằm ngoài cuộc đua này, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã kết nối với ứng dụng Google Wallet nhằm mục đích đa dạng thêm phương thức thanh toán cho chủ thẻ Sacombank Visa. Google Wallet là ứng dụng cho phép chủ thẻ sử dụng điện thoại thông minh hệ điều hành Android thanh toán bằng hình thức “chạm” vào máy POS đặt tại các điểm chấp nhận thanh toán và các giao dịch qua website/ứng dụng hỗ trợ thanh toán qua Google Pay.

Việc các ngân hàng tìm mọi phương kế để thu hút khách hàng tham gia các dịch vụ thanh toán là hoàn toàn dễ hiểu, bởi đây là một trong những cách để các ngân hàng bù lại biên lợi nhuận. Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng cho biết, việc gia tăng dịch vụ thanh toán cũng giúp các ngân hàng tăng tỷ lệ vốn từ tiền gửi không kỳ hạn và điều này cũng giúp cho nhiều ngân hàng tăng tỷ lệ thu nhập lãi thuần.