Ngân hàng thời AI: Khởi nguồn làn sóng chuyển đổi chiến lược vận hành
AI không còn là lựa chọn thử nghiệm, mà trở thành một trụ cột trong chiến lược chuyển đổi số của các ngân hàng hiện đại. Ảnh minh họa

Vài năm trở lại đây, ngành ngân hàng liên tục chứng kiến áp lực thu hẹp biên lãi thuần (NIM), đặc biệt khi nền lãi suất đi xuống và chi phí vốn tăng lên. Điều này buộc các ngân hàng tìm kiếm những hướng đi mới để giữ vững mục tiêu lợi nhuận và gia tăng giá trị cho cổ đông.

Chiến lược đầu tư công nghệ và tái cấu trúc nguồn lực

Một trong những câu trả lời được các lãnh đạo ngân hàng nhấn mạnh tại mùa đại hội đồng cổ đông chính là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và chuyển đổi số. Việc tối ưu hóa vận hành, tinh giản quy trình và cắt giảm chi phí được kỳ vọng có thể bù đắp phần lợi nhuận sụt giảm từ nghiệp vụ truyền thống.

Nếu giai đoạn 2020 - 2023, AI chủ yếu được nhắc đến trong các bản kế hoạch chiến lược dài hạn thì năm 2024 lại đánh dấu bước ngoặt rõ nét, khi AI trở thành từ khóa hành động cấp thiết trong các đại hội đồng cổ đông. Hàng loạt ngân hàng có bước chuyển dịch rõ ràng trong cơ cấu nhân sự, danh mục đầu tư công nghệ và mô hình vận hành, thể hiện nỗ lực hiện thực hóa các sáng kiến AI trong thực tế.

Năm 2024 là thời điểm ngành ngân hàng đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ ở quy mô lớn chưa từng có. Trong bối cảnh NIM suy giảm, công nghệ được kỳ vọng là chất xúc tác giúp nâng cao hiệu quả vận hành.

Chiến lược chuyển đổi số không còn là câu chuyện dài hạn, mà đang triển khai mạnh mẽ trong ngắn hạn để giảm thiểu chi phí vận hành và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Đầu tư vào dữ liệu và hạ tầng công nghệ không chỉ giúp triển khai AI, mà còn là điều kiện để cải thiện khả năng kiểm soát rủi ro, phân tích tín dụng và mở rộng quy mô giao dịch với chi phí cận biên rất thấp.

Dù chi phí đầu tư khiến lợi nhuận ngắn hạn chịu áp lực, nhưng xét về trung hạn, đây là nền tảng then chốt để cải thiện ROE (tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu).

Năm 2024 ghi nhận bước chuyển rõ nét của AI trong ngành ngân hàng, từ các ý tưởng chiến lược sang triển khai thực tiễn. Nhiều ngân hàng lớn như VPBank, MB, Techcombank và BIDV... triển khai hàng loạt dự án ứng dụng AI ở quy mô toàn hệ thống, từ nền tảng dữ liệu đến chatbot, từ phê duyệt tín dụng đến cá nhân hóa trải nghiệm. Đây là những ví dụ đầu tiên cho thấy AI không còn là lựa chọn thử nghiệm, mà trở thành một trụ cột trong chiến lược chuyển đổi số của các ngân hàng hiện đại.

Tái cấu trúc nhân lực theo mô hình hybrid

Chẳng hạn, VPBank nổi bật với việc triển khai chatbot tích hợp Generative AI có khả năng học hỏi và phản hồi theo ngữ cảnh, đồng thời xây dựng hệ sinh thái dữ liệu hợp nhất để hỗ trợ phát triển mô hình học máy. Trong khi đó, MBBank phát triển mô hình SmartBank - hệ thống giao dịch tự động 24/7 sử dụng nhận diện khuôn mặt, xử lý dữ liệu OCR và nền tảng Temenos để phục vụ khối lượng giao dịch khổng lồ lên đến hàng triệu giao dịch/ngày.

Các ngân hàng khác như ACB, Nam A Bank, SHB và Techcombank cũng liên tục tích hợp AI vào quy trình xác minh sinh trắc học, định giá tài sản và thu hộ doanh nghiệp - những khu vực vốn đòi hỏi độ chính xác và bảo mật cao.

Việc triển khai AI cải thiện hiệu quả dịch vụ, giảm tải cho nhân sự và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Tuy nhiên, các ứng dụng này vẫn chủ yếu tập trung vào khu vực ít rủi ro, chưa chạm đến những lĩnh vực nhạy cảm như: thẩm định tín dụng hay định giá tài sản, do yêu cầu cao về độ chính xác và tuân thủ pháp lý.

Sự thận trọng này cho thấy AI tuy bước vào thực tế. Song, vai trò của AI thiên về hỗ trợ, thay vì thay thế hoàn toàn con người.

Cùng với làn sóng công nghệ, năm 2024 chứng kiến xu hướng tái cấu trúc nguồn nhân lực rõ rệt trong ngành ngân hàng. Nhiều ngân hàng thực hiện cắt giảm nhân sự khối văn phòng (back-office), với tỷ lệ cắt giảm toàn hệ thống tại một số ngân hàng lớn.

Trong khi đó, khối công nghệ được ưu tiên tuyển dụng với tốc độ tăng trưởng mạnh, tập trung vào các vị trí kỹ sư phần mềm, dữ liệu và phát triển AI. Các vị trí như: nhập liệu, kiểm soát hồ sơ, xử lý văn bản... dần bị thay thế bởi hệ thống tự động hoặc AI, trong khi nhân sự được tuyển dụng chủ yếu là kỹ sư phần mềm, chuyên gia dữ liệu, AI và kinh doanh số.

Thay đổi này không chỉ để giảm chi phí nhân sự, vốn là gánh nặng lớn khi NIM xuống dưới 3,38% trong quý IV/2024, mà còn phản ánh sự chuyển đổi mô hình vận hành. Ngân hàng không còn là nơi xử lý chứng từ thủ công, mà đang tiến đến mô hình fintech nội tại, nơi con người và máy móc kết hợp theo mô hình làm việc lai (hybrid) kết hợp.

Nhiều ngân hàng như Techcombank, MB và VPBank xây dựng trung tâm công nghệ số riêng biệt, tuyển dụng nhân lực có tư duy dữ liệu và năng lực phát triển sản phẩm nội bộ. Chiến lược này giúp giảm chi phí dài hạn, đồng thời tạo ra sự chủ động trong phát triển hệ thống, không phụ thuộc hoàn toàn vào bên thứ ba. Đây cũng là nền tảng để xây dựng mô hình vận hành linh hoạt, phản ứng nhanh với thay đổi thị trường.

Quản trị chi phí bằng AI không chỉ giúp ngân hàng tiết kiệm trực tiếp, mà còn gián tiếp cải thiện khả năng mở rộng quy mô, nhưng không cần tăng tương ứng số lượng nhân sự. Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng không còn là con đường duy nhất để tăng lợi nhuận, khả năng kiểm soát chi phí sẽ là yếu tố quyết định ROE của ngân hàng.

Ngân hàng mạnh tay chi cho công nghệ, tăng 60% trong 3 năm

Theo thống kê, tổng chi phí đầu tư công nghệ toàn ngành ngân hàng tăng từ gần 20.000 tỷ đồng năm 2021 lên hơn 32.000 tỷ đồng năm 2024, tương đương mức tăng trưởng hơn 60% trong vòng ba năm. Những ngân hàng như Techcombank, MB hay TPBank đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào hệ thống core banking, nền tảng dữ liệu lớn, AI và điện toán đám mây.