Ngành dự trữ quản lý tài chính chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả
Kiểm tra số lượng và chất lượng gạo trước khi nhập kho. Ảnh: Khánh Huyền

Quản lý tài chính chặt chẽ, đúng chế độ

Đánh giá về công tác quản lý tài chính nội ngành trong hoạt động dự trữ quốc gia (DTQG) từ đầu năm 2024 đến nay, bà Khiếu Thị Hương - Vụ trưởng Vụ Tài vụ Quản trị, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) cho biết, hiện nay hệ thống cơ chế chính sách về quản lý tài chính, định mức chi ngân sách nhà nước (NSNN) đã được xây dựng đồng bộ, phù hợp với từng nhiệm vụ chi, đáp ứng yêu cầu quản lý và là cơ sở, là công cụ quan trọng giúp thực hiện nhiệm vụ đảm bảo cụ thể, rõ ràng, dễ thực hiện, dễ kiểm tra và phù hợp với thực tế của từng đơn vị.

Cũng như những năm trước, ngay sau khi được Bộ Tài chính giao dự toán NSNN, Tổng cục DTNN đã giao, phân bổ dự toán NSNN cho các đơn vị sử dụng ngân sách, chi tiết theo từng nội dung chi đúng mục lục ngân sách, đồng thời gửi Kho bạc Nhà nước, làm cơ sở cho việc quản lý, kiểm soát chi NSNN.

Các cục DTNN khu vực đã thực hiện cam kết chi theo đúng nhiệm vụ chi, đúng chế độ, đúng định mức bám sát tiến độ thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn và hàng quý thực hiện công khai kết quả giải ngân thực tế của từng đơn vị.

Thông tin về quyết toán NSNN năm 2023, bà Hương cho biết, qua công tác xét duyệt quyết toán cho thấy, các đơn vị đã chấp hành công tác lập, phân bổ giao dự toán, thực hiện dự toán, chuyển số dư dự toán và tổng hợp báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán, tổ chức ghi chép, phản ánh chứng từ, số kế toán, báo cáo tài chính theo đúng mẫu biểu kế toán, cập nhật hạch toán kịp thời các nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh theo chế độ kế toán quy định; công tác đấu thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư xây dựng cơ bản theo đúng quy định của Luật Đấu thầu…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý tài chính của Tổng cục DTNN vẫn còn một số hạn chế. Đơn cử như công tác lập dự toán chi ở một số đơn vị còn chưa đánh giá được hết các yếu tố tác động đến quá trình chi ngân sách, dẫn đến lập dự toán chưa đầy đủ nội dung chi, nhất là chi nghiệp vụ DTQG.

Theo bà Hương, do là nội dung chi mang tính đặc thù phụ thuộc vào việc thực hiện chỉ tiêu kế hoạch DTQG, xuất cấp hàng DTQG trong tình huống đột xuất cấp bách (như xuất gạo DTQG cứu trợ, hỗ trợ, cứu đói nhân dân do hạn hán, mưa lũ, giáp hạt..; xuất vật tư thiết bị cứu hộ cứu nạn...) khó chủ động được khối lượng công việc phát sinh, dẫn đến việc xây dựng dự toán chi chưa sát thực tế, chưa kịp thời với nhiệm vụ phát sinh.

Triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách

Nhằm tăng cường công tác quản lý tài chính nội ngành, nâng cao hiệu quả chi dự toán NSNN những tháng cuối năm 2024, lãnh đạo Tổng cục DTNN đã đề nghị các đơn vì cần thực hiện giải pháp cơ bản.

Điều hành ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đúng chế độ và trong phạm vi dự toán được giao. Tuyệt đối không tự điều chỉnh dự toán chi NSNN được giao từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác không đúng thẩm quyền; đơn vị dự toán ngân sách, đơn vị sử dụng ngân sách không đề xuất, phê duyệt và thực hiện nhiệm vụ chi khi chưa có nguồn tài chính, dự toán chi ngân sách làm phát sinh nợ khối lượng xây dựng cơ bản, nợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên; triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách; hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, mừng ngày lễ, ngày kỷ niệm để tiết kiệm kinh phí. Tăng cường công tác tự kiểm tra tài chính kế toán; thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong hoạt động tài chính của đơn vị; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở về hoạt động tài chính, ngân sách.

Điều chỉnh dự toán đợt 2 năm 2024 phù hợp, kịp thời, thực hiện báo cáo và công khai điều chỉnh dự toán đảm bảo thời gian và quy định. Đối với các nhiệm vụ chưa được cấp thẩm quyền giao và bố trí dự toán, các đơn vị xây dựng, tổng hợp, trong đó thuyết minh cụ thể căn cứ đề nghị báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét bố trí, điều chỉnh dự toán theo quy định, tuyệt đối không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực, đảm bảo tỷ lệ giải ngân theo cam kết.

Thủ trưởng các đơn vị sử dụng ngân sách cần chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, có biện pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đảm bảo giải ngân năm 2024 đạt tỷ lệ 100% theo cam kết và chịu trách nhiệm nếu không đảm bảo tiến độ giải ngân.

Xây dựng dự toán chi NSNN năm 2025, kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2025 - 2027 theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, của Tổng cục DTNN đảm bảo chất lượng, nội dung và thời hạn quy định. Các đơn vị dự toán cần khảo sát nắm chắc tình hình thực hiện nhiệm vụ của đơn vị mình để xây dựng dự toán sát thực tế. Bên cạnh đó, cần tính toán kỹ các yếu tố ảnh hưởng đến việc lập dự toán NSNN, nhất là tình hình biến động mạnh về giá cả và chính sách chế độ của Nhà nước để đưa ra số liệu tin cậy, có tính khả thi cao giúp các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tiết kiệm, hiệu quả NSNN.

Xuất toán khoản chi không đúng chế độ

Toàn ngành DTNN tăng cường kỷ luật tài chính trong công tác lập, thực hiện dự toán và quyết toán NSNN năm 2024. Việc quyết toán phải phân định rõ các nguồn kinh phí đã sử dụng, hạn chế việc chuyển nguồn ngân sách sang năm sau. Kiên quyết xuất toán các khoản chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, đơn giá, định mức hiện hành.