Tăng hiệu lực, hiệu quả trong thực thi công vụ

Theo đánh giá, việc duy trì kỷ luật, kỷ cương hành chính đã góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và thực thi chính sách, pháp luật. Do vậy, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã ban hành một hệ thống các quy chế, quy định có phạm vi điều chỉnh trực tiếp đến việc thực thi công vụ của toàn bộ công chức, viên chức ngành Hải quan, từ người đứng đầu đơn vị đến công chức thừa hành; trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong từng khâu nghiệp vụ và quy định về chế tài xử lý, kỷ luật đối với từng hành vi.

Trong đó đặc biệt quan trọng là Quy chế kiểm tra công vụ và xử lý, kỷ luật đối với công chức, viên chức, người lao động trong ngành Hải quan kèm theo Quyết định số 2799/QĐ-TCHQ (QĐ 2799) ngày 26/9/2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cha Lo, Cục Hải quan Quảng Bình. Ảnh: ĐỖ QUANG
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cha Lo, Cục Hải quan Quảng Bình. Ảnh: Đỗ Quang

Theo ông Lương Hải Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra (Tổng cục Hải quan), mục tiêu quan trọng được Tổng cục Hải quan đặt ra khi ban hành Quyết định số 2799/QĐ-TCHQ là minh bạch hóa, cụ thể hóa hơn 400 hành vi vi phạm của công chức, viên chức, người lao động trong ngành Hải quan khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương, quy chế, quy trình thủ tục hải quan trong thực thi công vụ, tương ứng với mỗi hành vi vi phạm đó là chế tài xử lý vi phạm, tùy theo tính chất mức độ, hậu quả để xử lý nhắc nhở, phê bình, nặng nhất là buộc thôi việc. Qua đó, để bản thân công chức hải quan, bao gồm cả công chức giữ chức vụ lãnh đạo nhận diện được hành vi nào là vi phạm, những việc không được làm để tự giác không thực hiện hành vi vi phạm.

Ngoài ra, quy chế quy định thẩm quyền và trách nhiệm của hải quan các cấp (từ cấp chi cục, cục, tổng cục) tự kiểm tra nội bộ, cấp trên kiểm tra cấp dưới để chủ động phát hiện và áp dụng các hình thức xử lý vi phạm, xử lý kỷ luật tương ứng.

Từ khi QĐ 2799 có hiệu lực đến nay, các đơn vị hải quan trong toàn ngành đã nghiêm túc xử lý vi phạm và xử lý kỷ luật nhiều trường hợp, có cả các trường hợp kỷ luật cách chức hoặc buộc thôi việc.

Việc ban hành và thực thi QĐ 2799 đã có hiệu lực và hiệu quả trong việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính, công vụ; nâng cao ý thức, trách nhiệm của công chức hải quan khi thực thi công vụ; chống phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng theo đúng định pháp luật về phòng, chống tham nhũng và quy định của Đảng và Nhà nước.

Cụ thể hóa hơn 980 hành vi vi phạm

Theo ông Lương Hải Hưng, sau một thời gian triển khai áp dụng QĐ 2799, tới nay một số bất cập đã phát sinh, do vậy, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ký Quyết định số 799/QĐ-TCHQ ban hành Quy chế kiểm tra công vụ và xử lý vi phạm đối với công chức, viên chức trong ngành Hải quan với nhiều điểm mới để thay thế QĐ 2799.

Chia sẻ về những điểm mới, ông Hưng cho hay, phạm vi điều chỉnh đã có sự phân định việc kiểm tra công vụ với các hoạt động kiểm tra theo các quy chế kiểm tra của Tổng cục Hải quan như: Quy chế kiểm tra theo dấu hiệu vi phạm nghiệp vụ trong ngành Hải quan; Quy chế kiểm tra nội bộ trong ngành Hải quan; Quy chế kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan.

Tổng cục trưởng quyết định hình thức kỷ luật vụ việc nổi cộm

Một điểm mới của quy chế tại Quyết định số 799/QĐ-TCHQ là khi xem xét tính chất, mức độ của hành vi vi phạm hoặc những vụ việc nổi cộm cụ thể gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của ngành, việc xác định hình thức kỷ luật do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định thông qua kết luận về hành vi vi phạm, trong đó có đề xuất hình thức kỷ luật (mà không cần thành lập Hội đồng kỷ luật) căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 27 và Khoản 3 Điều 34 Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ.

Quy chế mới không điều chỉnh đối tượng là người lao động, chỉ điều chỉnh công chức, viên chức trong ngành Hải quan. Công chức, viên chức hải quan có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của công chức, viên chức; những việc công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế, quy trình của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì bị xem xét xử lý.

Đặc biệt, bản quy chế mới đưa ra 12 phụ lục rất chi tiết bao gồm đầy đủ tất cả các lĩnh vực hoạt động của Hải quan Việt Nam trong đó cụ thể hóa hơn 980 hành vi vi phạm của công chức, viên chức trong ngành Hải quan khi thực thi công vụ, đạo đức tác phong lối sống, công tác phòng chống tham nhũng. Chi tiết các hành vi vi phạm được rà soát dựa trên các quy định, quy trình, quy chế của ngành và quy định pháp luật hiện hành.

Về hình thức xử lý vi phạm, quy chế mới bãi bỏ hình thức xử lý nhắc nhở, phê bình đối với các hành vi vi phạm; chỉ quy định 2 hình thức xử lý hành vi vi phạm. Cụ thể là người có hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 7, Điều 15 Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Công chức, viên chức hải quan có hành vi vi phạm chưa đến mức bị xử lý kỷ luật thì bị hạ xếp loại chất lượng công chức, viên chức tương ứng với mức độ vi phạm.

Quy chế cũng bổ sung quy định các vi phạm về trách nhiệm thực hiện kiểm tra 3 cấp theo Quyết định số 4398/QĐ-TCHQ ngày 20/12/2016 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cục hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; bổ sung quy định các vi phạm của công chức giữ chức vụ lãnh đạo trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành đơn vị nhằm tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu tại các đơn vị.