trang 12

Ngành Hải quan triển khai máy soi chiếu container tại Bình Dương, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Để rõ hơn về kết quả tích cực này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Công Bình.

* PV: Việc thực hiện mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP của ngành Hải quan trong 2 năm qua đã mang lợi ích cụ thể nào đối với các DN thưa ông?

- Ông Nguyễn Công Bình: Ngày 28/4, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020.

Đây là lần thứ ba Chính phủ ban hành Nghị quyết 19. Thực hiện Nghị quyết 19 trong 2 năm 2014 - 2016 ngành Hải quan đã nỗ lực triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính; đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác kiểm tra giám sát hải quan, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa cho DN xuất nhập khẩu (XNK). Trong đó kết quả nổi bật nhất phải kể đến đó là công tác hiện đại hóa thủ tục hải quan dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin.

Ngành Hải quan đã triển khai và áp dụng thành công hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) do Chính phủ Nhật Bản tài trợ trong toàn ngành, tạo ra bước đột phá trong công tác cải cách hiện đại hóa, cho phép thời gian đăng ký tờ khai hải quan của DN chỉ còn khoảng 3 giây, thời gian thông quan đối với các lô hàng phân luồng xanh, không phải nộp thuế chỉ có 4 giây. Đến nay, đã có hơn 99% DN XNK thực hiện thủ tục hải quan trên hệ thống VNACCS/VCIS.

ong binh

Ông Nguyễn Công Bình

Bên cạnh đó, tạo thuận lợi cho DN XNK, ngành Hải quan đã chủ động triển khai kết nối chính thức Cơ chế một cửa quốc gia với 10/14 bộ ngành, với 33 thủ tục, trên 150.000 bộ hồ sơ, và 6.000 DN tham gia (số liệu đến ngày 1/8/2016); triển khai chính thức hoạt động e-Manifest, cho phép tiếp nhận 100% hồ sơ tàu biển và thông quan điện tử đối với tàu biển xuất nhập cảnh trên địa bàn 9 Cục Hải quan có lưu lượng hàng hóa XNK lớn, với sự tham gia của hơn 90% hãng tàu, đại lý hãng tàu, công ty giao nhận.

Ngành Hải quan cũng đã đẩy mạnh hoạt động phối hợp thu thuế điện tử với các ngân hàng thương mại. Tính đến ngày 31/5/2016, Tổng cục Hải quan đã ký kết thực hiện phối hợp thu thuế điện tử với 28 ngân hàng, số thu đạt 90,1% tổng số thu ngân sách của ngành Hải quan.

* PV: Có ý kiến DN cho rằng, thủ tục thông quan hàng hóa còn phức tạp, đặc biệt là thủ tục kiểm tra chuyên ngành (KTCN). Theo ông nguyên nhân do đâu và biện pháp nào để khắc phục?

- Ông Nguyễn Công Bình: Trên thực tế, ngành Hải quan đã nỗ lực cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN. Quyết định thông quan hàng hóa của cơ quan hải quan chỉ được thực hiện khi có chứng nhận KTCN của các bộ, ngành chuyên trách.

KTCN là hoạt động liên quan đến quản lý của nhiều cơ quan chức năng, vì vậy cần phải có sự nỗ lực và cải cách mạnh mẽ từ nhiều bộ, ngành liên quan.

Thời gian chờ kết quả KTCN còn dài là do văn bản pháp luật về KTCN quy định Danh mục mặt hàng phải kiểm tra của nhiều bộ quản lý chuyên ngành chưa đồng bộ, chưa đầy đủ; phạm vi mặt hàng phải KTCN tại khâu thông quan còn quá rộng.

Hơn nữa, cơ quan KTCN chưa có đủ lực lượng và phương tiện kiểm tra tại cửa khẩu (trừ lực lượng làm công tác kiểm dịch), hàng hóa khi cần KTCN phải đưa về phòng thí nghiệm trong nội địa thực hiện; phương tiện kỹ thuật, nguồn nhân lực thực hiện còn thiếu và yếu, nhiều trường hợp đưa ra kết quả chậm, dẫn đến kéo dài thời gian thông quan hàng hóa của DN. Nhiều mặt hàng thuộc diện KTCN nhưng các bộ, ngành quản lý chưa ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với hàng hóa. Nhiều cơ quan, đơn vị KTCN chưa áp dụng phương pháp rủi ro trong KTCN, chưa ứng dụng công nghệ thông tin trong việc trao đổi thông tin kết quả KTCN với cơ quan hải quan.

Để khắc phục được tình trạng trên đòi hỏi các bộ, ngành phải có sự cải cách cơ bản về hệ thống pháp luật và bộ máy kiểm tra; phương thức kiểm tra trong hoạt động KTCN, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động KTCN nhằm thuận lợi cho hoạt động XNK hàng hóa; giảm thời gian thông quan hàng hóa, giảm chi phí cho DN.

* PV: Ở góc độ quản lý của mình, để cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh cho DN, thực hiện Nghị quyết 19, ngành Hải quan sẽ triển khai các giải pháp đáng chú ý nào, thưa ông?

- Ông Nguyễn Công Bình: Chúng tôi tiếp tục bám sát các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra tại các Nghị quyết 19 của Chính phủ và yêu cầu tại Kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết này mà Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đã ban hành.

Theo đó, ngành Hải quan chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, đề án nâng cao hiệu quả KTCN theo Quyết định 2026/QĐ-TTg; triển khai các biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý hải quan thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ DN XNK...

Đến nay, ngành Hải quan đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với đối với 73 thủ tục hành chính cốt lõi (chiếm 44%); cung cấp dịch vụ công mức độ 1, 2 đối với 95 thủ tục hành chính còn lại (chiếm 56%), là các thủ tục hành chính có số lượng DN thực hiện không nhiều.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Hải Anh - Bảo Châu (thực hiện)