t5

Số giờ thực hiện TTHC về thuế đã được cắt giảm từ 420 giờ xuống chỉ còn 117 giờ.

Lời nói đi liền hành động

Thời điểm này, ngành Tài chính đã đi được ba phần tư chặng đường thực hiện nhiệm vụ tài chính- ngân sách năm 2016 với nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù bối cảnh kinh tế từ đầu năm đã được dự báo có nhiều chuyển biến tích cực, song trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngành Tài chính đã phải đối mặt với nhiều biến động, nhất là khó khăn trong nhiệm vụ thu, chi, cân đối ngân sách nhà nước (NSNN).

Trong nhiều cuộc họp chỉ đạo nhiệm vụ thu, chi NSNN, Bộ trưởng Bộ Tài chính
Đinh Tiến Dũng luôn quán triệt với cán bộ, công chức, viên chức trong toàn Ngành về nhiệm vụ quan trọng của ngành Tài chính được giao phó: “Đất nước muốn phát triển thì NSNN phải vững vàng”. Vì vậy, người đứng đầu ngành Tài chính luôn thể hiện quyết tâm cho dù hoàn cảnh khó khăn đến mấy cũng phải phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.

Lời nói đi liền hành động, ngay từ đầu năm 2016, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng các kịch bản điều hành NSNN theo từng mức biến động giá dầu. Tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình điều hành, ngoài tình hình thu giảm do giá dầu xuống thấp, còn có nhiều diễn biến tác động bất lợi đến tình hình thu ngân sách của năm như: Thu từ xuất nhập khẩu giảm do cắt giảm thuế quan khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế; tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với mục tiêu đặt ra cho cả năm; chỉ số sản xuất công nghiệp thấp hơn cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp giải thể, phá sản, tạm ngừng SX-KD còn lớn; tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường biển ở một số địa phương...

Thời gian qua, thu ngân sách từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu NSTW, nhưng hai khoản thu này đang có xu hướng giảm dần. Cụ thể, tổng 2 khoản thu này chiếm tỷ lệ khoảng 51% tổng thu NSTW năm 2014 (trong đó dầu thô khoảng 18%); năm 2015, chiếm khoảng 42% (trong đó dầu thô khoảng 11%); 6 tháng năm 2016 giảm còn 38% (dầu thô 8%, giá dầu giảm 20 USD so với giá xây dựng dự toán). Vì vậy, tác động của giá dầu giảm mạnh và cắt giảm thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương (FTA) có ảnh hưởng rất lớn đến thu của NSTW trong thời gian vừa qua.

Từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính luôn thực hiện điều hành chi NSNN chặt chẽ, trong phạm vi dự toán được giao. Đồng thời, các cơ quan tài chính đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng ngân sách tại một số bộ, địa phương; một số dự án đầu tư sử dụng vốn NSNN; công tác quản lý tài chính tại các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp; việc chấp hành pháp luật về thuế, phí, lệ phí; thực hiện kiểm soát chi của KBNN. Qua đó, góp phần nâng cao kỷ luật tài chính và hiệu quả sử dụng NSNN.

Trước những diễn biến khó khăn này, Bộ Tài chính đã chủ động có giải pháp tăng cường hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp hội nhập và hợp tác tài chính quốc tế; tiếp tục thực hiện lộ trình cắt giảm thuế trong khuôn khổ các FTA đã ký; rà soát lại giá cơ sở danh mục hàng hoá nhập khẩu; chủ động đánh giá các tác động trực tiếp và gián tiếp thông qua dịch chuyển luồng thương mại nhằm hưởng các ưu đãi về thuế của các FTA đến thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu để có giải pháp ứng phó kịp thời. Ngoài ra, Bộ cũng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 3/6/2016 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo điều hành nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2016 theo hướng chủ động, tích cực, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong điều hành, đã tiếp tục rà soát, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách về tài chính, thuế phù hợp với tình hình thực tế và cam kết hội nhập quốc tế. Chỉ đạo quyết liệt triển khai các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, xử lý nợ thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp... Nhờ đó, lũy kế 8 tháng, thu NSNN ước đạt 649,46 nghìn tỷ đồng, bằng 64% dự toán, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Mặc dù thu ngân sách còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Bộ Tài chính luôn đảm bảo cân đối NSNN để thực hiện chi các nhiệm vụ quan trọng như: Chi lương, chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển, đặc biệt là an sinh xã hội. Bộ đã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời theo tiến độ các khoản kinh phí đã bố trí trong dự toán cho các đối tượng chính sách. Đồng thời, tập trung xử lý ngay kinh phí cho các địa phương nhằm khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn, hỗ trợ khôi phục sản xuất sau thiên tai và xử lý sự cố về môi trường đối với một số tỉnh miền Trung. Trong 8 tháng đầu năm đã xuất cấp trên 1.550 tỷ đồng để hỗ trợ nhân dân bao gồm gạo, giống cây trồng, vắc xin phòng chống dịch bệnh; trong đó xuất cấp gần 59.000 tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, gần 53.000 tấn gạo cứu đói cho nhân dân.

Nhiệt huyết với nhiệm vụ “sống còn”

Cùng với việc đảm bảo nhiệm vụ thu, chi, cân đối NSNN, nhiều nhiệm vụ khác cũng được Bộ Tài chính nghiêm túc thực hiện như: Tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu DNNN và thị trường tài chính; tăng cường quản lý thị trường, giá cả, kiểm soát lạm phát; tích cực triển khai công tác huy động vốn; tăng cường quản lý nợ công chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay; thực hiện đổi mới cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập... Đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) được thực hiện trong nhiều lĩnh vực và quan trọng nhất là đối với hai ngành Thuế, Hải quan. Đây là nhiệm vụ “sống còn” mà Chính phủ, Bộ Tài chính đã đặt ra để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển,
tạo nguồn thu NSNN lâu dài. Để thực hiện nhiệm vụ này, ngay từ khi có chủ trương CCHC đến khi chính thức triển khai thực hiện, ngành Tài chính- từ người đứng đầu đến từng cán bộ, công chức các lĩnh vực trong ngành đã tâm niệm rằng, mỗi cá nhân phải có quyết tâm, có nhiệt huyết “vào cuộc” mới làm thay đổi được những TTHC vốn đã lạc hậu. Đến nay trong lĩnh vực thuế đã rà soát sửa đổi 70 quy trình nghiệp vụ để đơn giản hóa các thủ tục hành chính về thuế. Đẩy mạnh việc triển khai Đề án hoàn thuế điện tử, tiến tới điện tử hóa 95% công tác hoàn thuế (tương đương với cấp độ 4). Đã bãi bỏ 31 TTHC về thuế, cắt giảm số giờ thực hiện TTHC về thuế từ 420 giờ xuống chỉ còn 117 giờ. Trong lĩnh vực hải quan đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, ban hành quy trình kiểm tra chuyên ngành. Tới nay đã lập 9 địa điểm kiểm tra chuyên ngành tại 7 cục hải quan. Giảm thời gian thông quan từ 21 ngày xuống còn 14 ngày đối với hàng xuất khẩu và 13 ngày đối với hàng nhập khẩu.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, để công tác CCHC thực sự là nhiệm vụ thường xuyên, lan tỏa tới từng đơn vị, tháng 5/2015 Bộ Tài chính đã ban hành quyết định phê duyệt bộ Chỉ số CCHC của Bộ Tài chính để có cơ sở đánh giá, chấm điểm CCHC hàng năm đối với cho các đơn vị trực thuộc. Công cuộc CCHC trải qua quá trình từ ban hành chính sách đến thực thi đều được ngành Tài chính quán triệt và thực hiện với tinh thần cầu thị, hướng tới một Chính phủ liêm chính, minh bạch như lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu. Kết quả đó được ghi nhận, khi vào tháng 8 vừa qua, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đã công bố chỉ số CCHC năm 2015 (chỉ số PAR INDEX) của các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh, Bộ Tài chính đứng vị trí thứ 2 trong nhóm 19 bộ, ngành, với chỉ số PAR INDEX năm 2015 là 89,21/% (chỉ thấp hơn 0,21% so với chỉ số của đơn vị đứng đầu). Đây là năm thứ 2 liên tiếp Bộ Tài chính đứng thứ 2 về chỉ số CCHC, và được xem là sự động viên đối với những nỗ lực rất lớn của toàn ngành Tài chính.

Không thỏa mãn, bằng lòng với những kết quả đã đạt được, hòa chung với dòng chảy phát triển kinh tế đất nước, ngành Tài chính vẫn nêu cao tinh thần nỗ lực vượt khó thực hiện nhiệm vụ tài chính- ngân sách tốt hơn nữa, vì sự vững vàng của ngân sách quốc gia.

Nhìn vào bảng điểm PAR INDEX trong 4 năm qua của 19 bộ, ngành có thể thấy thứ hạng CCHC của Bộ Tài chính cải thiện vượt bậc: Từ thứ 8 năm 2012, lên thứ 4 năm 2013 và liên tục giữ vị trí thứ 2 trong năm 2014 và năm 2015. Việc duy trì thứ hạng trong năm 2015 thể hiện nỗ lực rất lớn của Bộ Tài chính, khi chỉ số CCHC của các bộ, ngành năm nay đều tăng cao (trung bình là 85,3%).

H.TR