Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn nút khai trương Cổng Công khai ngân sách

Ngày 26/8/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (giữa) nhấn nút khai trương Cổng Công khai ngân sách nhà nước. Ảnh: Đức Minh

Phóng viên TBTCVN đã trao đổi với ông Võ Anh Trung – Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) xung quanh nội dung này.

* PV: Xin ông cho biết những thành tích nổi bật về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của Bộ Tài chính nói riêng, toàn ngành Tài chính nói chung?

Ông Võ Anh Trung: Trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành Tài chính đã có những bước phát triển nhanh và vững chắc, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ông Võ Anh Trung

Ông Võ Anh Trung

Với những kết quả đạt được, năm 2018, Bộ Tài chính là cơ quan đầu tiên trong khối cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam và là 1 trong 31 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xuất sắc từ các quốc gia và nền kinh tế thành viên được Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) bình chọn trao giải thưởng quốc tế “ASOCIO Outstanding User Organization 2018” đối với hạng mục tổ chức ứng dụng CNTT xuất sắc khu vực châu Á, châu Đại Dương tại Tokyo, Nhật Bản.

Hai năm liên tiếp (2017 - 2018), Bộ Tài chính dẫn đầu bảng xếp hạng kết quả về chỉ số tổng hợp mức độ phát triển chính phủ điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ; 7 năm liên tiếp từ năm 2013 đến năm 2019 dẫn đầu trong bảng xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT (Vietnam ICT index) khối các bộ, cơ quan ngang bộ.

* PV: Vai trò của môi trường pháp lý đối với ứng dụng CNTT trong ngành Tài chính là rất quan trọng, vậy ông có thể cho biết, Bộ Tài chính đã triển khai nhiệm vụ này như thế nào?

Ông Võ Anh Trung: Trong giai đoạn 2016 - 2020, để đáp ứng yêu cầu ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong quản lý nhà nước về lĩnh vực tài chính, xây dựng chính phủ điện tử, bảo đảm an toàn thông tin, Bộ Tài chính đã tham gia góp ý nhiều văn bản để cơ quan chủ trì trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch làm cơ sở cho việc phát triển, triển khai ứng dụng CNTT, chính phủ điện tử và bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã chủ động nghiên cứu và ban hành các văn bản nội bộ về quy chế, quy trình nhằm hoàn thiện việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng các hệ thống CNTT ngành Tài chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp,...

Ngày 24/3/2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 556/QĐ-BTC về việc phê duyệt Kế hoạch 5 năm về ứng dụng CNTT trong hoạt động của Bộ Tài chính giai đoạn 2016 - 2020. Có thể coi kế hoạch này là một bộ phận của Chiến lược Tài chính giai đoạn 2011 - 2020 có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng đối với tiến trình hiện đại hóa gắn với việc đẩy mạnh cải cách hành chính của ngành Tài chính.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng giao các đơn vị trong ngành như: Thuế, Kho bạc, Hải quan, Dự trữ và Chứng khoán xây dựng và Bộ Tài chính phê duyệt Kế hoạch 5 năm ứng dụng CNTT tại đơn vị mình.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã ban hành rất nhiều văn bản pháp lý về triển khai Chính phủ điện tử, về chính sách an toàn thông tin. Bộ Tài chính cũng đã ban hành kế hoạch ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0.

Có thể nói, giai đoạn 2016 – 2020 đánh dấu sự phát triển và hoàn thiện về chất trong công tác xây dựng kế hoạch, quy định, quy trình, quy chế quản lý, sử dụng các hệ thống CNTT, hạ tầng kỹ thuật, an toàn thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều quy trình, quy chế quản lý, vận hành, sử dụng các hệ thống CNTT một cách khoa học, chuyên nghiệp.

* PV: Ông đánh giá như thế nào về hệ thống hạ tầng truyền thông, cũng như hạ tầng kỹ thuật CNTT ngành Tài chính?

Ông Võ Anh Trung: Cho đến nay, hệ thống hạ tầng truyền thông thống nhất toàn ngành được duy trì ổn định, an toàn. Bộ Tài chính thiết lập hệ thống mạng hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính (mạng diện rộng – WAN) nhằm đảm bảo kết nối trao đổi dữ liệu cho trên 2.000 đơn vị sử dụng: Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Thuế, Hải quan, Chứng khoán, Dự trữ Nhà nước, Học viện Tài chính.

Hạ tầng kỹ thuật CNTT ngành Tài chính được nâng cấp, phát triển, chuẩn hóa, áp dụng công nghệ mới hiện đại, đáp ứng yêu cầu triển khai các hệ thống ứng dụng của ngành.

Ngành Tài chính đã nghiên cứu, áp dụng công nghệ ảo hóa máy chủ trong hệ thống CNTT ngành Tài chính từ năm 2007 nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư phần cứng, cũng như giải quyết nhanh các yêu cầu tăng trưởng hạ tầng phần cứng trong thời gian tối thiểu.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Đến nay, tổng số cán bộ, công chức, viên chức làm công tác công nghệ thông tin và Thống kê ngành Tài chính là 3.371 cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, tại Trung ương là 474 cán bộ và tại địa phương có 1.094 cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin thuộc cục thuế, cục Hải quan, cục dự trữ và kho bạc nhà nước tỉnh, thành phố và 1.803 cán bộ kiêm nhiệm thuộc đơn vị cấp huyện.

Ngành Tài chính có khoảng 31 kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị: 17 kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị trong ngành Tài chính với các đơn vị ngoài ngành và 14 kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị trong ngành Tài chính với nhau.

Đức Minh (thực hiện)