họp báo thanh tra chính phủ

Bà Lê Thị Thủy, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ phát biểu tại buổi Họp báo về truyền thống 70 năm ngành Thanh tra và giới thiệu trang phục mới ngành Thanh tra.

Chiều 14.9 tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã tổ chức Họp báo về truyền thống 70 năm ngành Thanh tra, đánh giá một số kết quả nổi bật trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng và xây dựng nội bộ giai đoạn 2011-2015. Cũng tại buổi họp báo, TTCP đã giới thiệu trang phục mới ngành Thanh tra.

Tại cuộc họp báo, bà Lê Thị Thủy, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, ngày 23.11.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, đánh dấu sự ra đời của ngành Thanh tra Việt Nam. Trong 70 năm qua, ngành Thanh tra luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng của dân tộc và đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng và hiện đang hoàn tất thủ tục xét tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Phát hiện hơn 200.000 tỷ đồng sai phạm về kinh tế

Cũng theo bà Thủy, trong 5 năm (2011- 2015), toàn ngành Thanh tra đã triển khai trên 37.390 cuộc thanh tra hành chính và trên 783.200 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế với số tiền là 208.540 tỷ đồng, trong đó đã kiến nghị thu hồi gần 119.400 tỷ đồng và 19.230 ha đất, lập biên bản, ban hành 945.900 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 29.300 tỷ đồng, xử lý khác hơn 59.840 tỷ đồng; đã kiến nghị xử lý kỷ luật 6.460 tập thể, 22.700 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 297 vụ, 355 người.

Trong đó, riêng Thanh tra Chính phủ ban hành 108 kết luận thanh tra, phát hiện vi phạm 74.550 tỷ đồng, 10.727 ha đất; kiến nghị thu hồi 22.676 tỷ đồng; kiến nghị kiểm điểm, xử lý tập thể, cá nhân vi phạm; chuyển cơ quan điều tra 48 vụ việc.

Cũng theo bà Thủy, toàn ngành đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 13.650 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi 5.014 tỷ đồng, 66.900 ha đất. Trong đó từ 2012 đến nay đôn đốc 12.240 kết luận, thu hồi 4.934 tỷ đồng, 66.624 ha đất.

Sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra

Về công tác phát hiện và xử lý tham nhũng qua hoạt động thanh tra giai đoạn 2011- 2015, bà Thủy cho biết, giai đoạn này đã phát hiện 441 vụ (tăng 212 vụ so với nhiệm kỳ trước), 692 người có dấu hiệu tham nhũng với 769 tỷ đồng, 10 ha đất. Theo đó, kiến nghị thu hồi 745 tỷ đồng (tăng 637 tỷ đồng so với nhiệm kỳ trước); kiến nghị xử lý hành chính 23 tập thể, 596 cá nhân, xử lý trách nhiệm 157 người đứng đầu; chuyển cơ quan điều tra 162 vụ, 272 đối tượng.

Xung quanh ý kiến cho rằng, kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng qua hoạt động thanh tra chưa có chuyển biến rõ nét, số vụ phát hiện ít, đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng đã được quan tâm chỉ đạo ráo riết, đã ban hành được nhiều văn bản quan trọng như: Nghị định về minh bạch tài sản (Nghị định số 86/2011/NĐ-CP) trong đó có quy định mới, đột phá về công khai bản kê khai tài sản...

Tuy nhiên, hiện nay việc kê khai công khai tài sản của cán bộ vẫn nặng hình thức do chỉ dựa vào ý thức tự giác của cán bộ, công chức, viên chức vì thế phát hiện tham nhũng qua kê khai không đáng kể, khó cho việc thu hồi tài sản tham nhũng. Tới đây khi có Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi sẽ giải quyết được vấn đề này.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình khiếu nại, tố cáo có xu hướng giảm nhưng số lượt đoàn khiếu nại, tố cáo đông người tăng? Ông Nguyễn Hữu Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính tổng hợp, Thanh tra Chính phủ cho biết, hiện vẫn còn tồn đọng các vụ việc của năm trước, tới đây sẽ tăng cường công tác tiếp dân và tăng cường quản lý nhà nước về khiếu nại tố cáo.

Xung quanh ý kiến cho rằng, đôn đốc kết luận, thu hồi sau thanh tra chậm, qua 5 năm mới chỉ đạt 46,3%, đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết, tính trung bình là 46,3%, tuy nhiên năm 2013 sau khi Vụ giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra được thành lập, công tác này đã được cải thiện. Theo đó, riêng trong năm 2014, tỷ lệ đôn đốc thực hiện kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra về tiền đạt 69,5%, về đất đạt 98,3% và có nhiều cải thiện hơn trong năm 2015.

"Thời gian tới ngành Thanh tra sẽ phấn đấu phát huy hơn nữa vai trò của thanh tra, cũng như nâng cao hiệu quả trong hoạt động thanh tra, làm cho hoạt động thanh tra thực sự đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước, là phương thức hữu hiệu, sắc bén trong việc phát hiện, xử lý tiêu cực, tham nhũng", bà Thủy chia sẻ./.

Bài và ảnh: Hồng Chi