Hiện thực hóa Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế

Báo cáo của Tổng cục Thuế tại Hội nghị trển khai nhiệm vụ công tác thuế 2023 chiều 15/12 cho thấy, năm 2022, tổng thu ngân sách do ngành Thuế quản lý ước đạt 1.460.100 tỷ đồng, vượt 24,3% dự toán phát lệnh, tăng 8,5% so với cùng kỳ thực hiện.

Cùng với việc thu ngân sách vượt dự toán, trong năm 2022, toàn ngành Thuế đã tiếp tục triển khai các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với tổng số tiền trên 174.000 tỷ đồng.

Năm 2022, ngành Thuế đã gia hạn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất trên 174 nghìn tỷ đồng

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TN

Trong đó: Giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ khoảng 20.040 tỷ đồng; giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 và Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 11/7/2022 khoảng 1.906 tỷ đồng.

Giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn; giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 từ ngày 1/4/2022; giảm kịch khung thuế BVMT đối với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu hỏa, nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 từ ngày 11/07/2022 ước khoảng 26.307 tỷ đồng.

Gia hạn thời hạn nộp thuế theo Nghị định 34/2022/NĐ-CP khoảng 96.316 tỷ đồng. Gia hạn thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định 32/2022/NĐ-CP ngày 21/5/2022 của Chính phủ khoảng 9.603 tỷ đồng.

Giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí theo Thông tư 120/2021/TT-BTC khoảng 900 tỷ đồng.

Hỗ trợ, giải đáp cho hơn 788.000 lượt người nộp thuế

Cùng với việc hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách, năm 2022, Tổng cục Thuế cũng đã chủ động xây dựng chính sách, pháp luật về thuế và triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến 2030.

Cụ thể, trong năm 2022, Tổng cục Thuế đã tham mưu Bộ Tài chính trình Chính phủ đã ban hành 4 nghị định của Chính phủ, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trình Bộ Tài chính ban hành 2 thông tư sửa đổi bổ sung một số quy định về chính sách thuế, quản lý thuế và 40.000 văn bản hướng dẫn, giải đáp cho người nộp thuế (NNT).

Năm 2022, ngành Thuế đã gia hạn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất trên 174 nghìn tỷ đồng
Đại biểu tham dự hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thuế 2023. Ảnh: TN

Tổng cục Thuế cho rằng, việc ban hành kịp thời những văn bản pháp luật này đã góp phần tích cực trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý thuế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, công bằng, bình đẳng, hỗ trợ kịp thời NNT bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, góp phần thực hiện tốt mục tiêu chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.

Cũng trong năm 2022, ngành Thuế đã hoàn thành việc xây dựng “Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030” và đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022. Trong đó, trọng tâm của công tác quản lý thuế dựa trên nền tảng thuế điện tử và 3 trụ cột cơ bản gồm: Thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh nền kinh tế số.

Đối với hệ thống 479 kênh hỏi - đáp, Tổng cục Thuế cho biết, trong năm 2022, hệ thống đã tiếp nhận 6.252 câu hỏi, đã trả lời 5.798 câu, đạt tỷ lệ 84%. Toàn ngành đã gửi hơn 4,9 triệu lượt thư để cung cấp thông tin cho NNT; thực hiện hỗ trợ giải đáp được hơn 788.000 lượt cho NNT thông qua zalo, fanpage của cơ quan thuế.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế đã xây dựng 13 đề án thành phần theo các lĩnh vực công tác thuế. Trình Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 2438/QĐ-BTC ngày 22/11/2022 về Chương trình hành động triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Quyết định số 2439/QĐ-BTC ngày 22/11/2022 về Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025.

Cùng với việc hoàn thiện chính sách pháp luật, năm 2022, ngành Thuế đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền hỗ trợ, đảm bảo đưa chính sách vào cuộc sống, đẩy mạnh qua hình thức điện tử phù hợp xu hướng chuyển đổi số của Chính phủ và nhu cầu tiếp cận thông tin theo phương thức điện tử của NNT.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho hay, các chương trình hỗ trợ hướng dẫn khai thuế, quyết toán thuế và hỗ trợ trực tuyến về hóa đơn điện tử (HĐĐT) cũng được triển khai theo hình thức trực tuyến, qua đó thu hút trên 15.000 người truy cập, theo dõi và 169.000 lượt tương tác trực tiếp trong mỗi chương trình.

Tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến NNT, theo đó đã tổ chức hơn 600 buổi đối thoại theo hình thức trực tiếp với hơn 166.000 người tham gia.

Ngoài ra, đã có 16 buổi đối thoại theo phương thức điện tử trên Cổng Thông tin điện tử các cục thuế với số lượng câu hỏi tiếp nhận là hơn 1.600 câu hỏi, đã giải đáp hơn 1.500 câu hỏi./.