PV: Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 30/NQ-CP và Nghị định 07/2023/NĐ-CP nhằm giải quyết thực trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh. Ông đánh giá thế nào về sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ?

Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ: Tháo gỡ “nút thắt” trong mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế
PGS.TS Đào Xuân Cơ

PGS.TS Đào Xuân Cơ: Bệnh viện Bạch Mai cũng như hầu hết các bệnh viện trên toàn quốc rất hoan nghênh sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ và Bộ Y tế, khi nghe báo cáo của các bệnh viện về thực trạng thiếu hóa chất, vật tư, thiết bị y tế trong thời gian vừa qua.

Cụ thể, Nghị định 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP đã giải quyết cơ bản khó khăn, vướng mắc về thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại các bệnh viện trong tình trạng cấp bách hiện nay để phục vụ người bệnh.

Tôi hy vọng rằng, trong thời gian tới, khi những văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, các bệnh viện cũng đã có thời gian triển khai theo nghị quyết này, khi đó các quy định mới sẽ càng sát thực tiễn hơn.

PV: Theo ông, hai văn bản này có những điểm mới quan trọng nào giúp Bệnh viện Bạch Mai tháo gỡ được các vướng mắc trong bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế cho nhu cầu khám chữa bệnh của người dân hiện nay?

PGS.TS Đào Xuân Cơ: Trước tiên, Nghị định 07 sửa đổi Nghị định 98/2021/NĐ-CP cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu trang thiết bị y tế tự động gia hạn giấy phép nhập khẩu, số đăng ký lưu hành, đẩy nhanh cấp số đăng ký, giúp thông quan thuận lợi hơn. Như vậy, các doanh nghiệp sẽ nhập được hàng hóa và bệnh viện mua sắm được, tránh tình trạng hàng đã trúng thầu nhưng không thông quan được.

Không sử dụng chính sách tháo gỡ để trục lợi

PGS.TS Đào Xuân Cơ cho biết thêm, những giải pháp tại Nghị định 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP là biện pháp "tình thế" giúp giải quyết ngay một số vướng mắc. Vì vậy, khi thực hiện, các bệnh viện trong đó có Bệnh viện Bạch Mai rất ý thức được rằng, việc tuân thủ các quy định pháp luật, đặc biệt không được phép sử dụng chính sách tháo gỡ này của Chính phủ để trục lợi, vì tiền kiểm dễ như vậy, thì chắc chắn việc hậu kiểm sẽ chặt. Do vậy, không được phép lợi dụng để trục lợi, phải nghiêm chỉnh chấp hành Luật Phòng, chống tham nhũng.

Tiếp đến, Nghị quyết 30 cho phép bệnh viện thí điểm sử dụng máy đặt, máy mượn của các công ty. Cụ thể, sau khi trúng thầu hóa chất, vật tư thì các công ty phải có trách nhiệm đưa máy vào để thực hiện xét nghiệm và các kỹ thuật đi liền với vật tư, hóa chất của mình và bảo hiểm y tế (BHYT) phải có trách nhiệm thanh toán cho người bệnh. Trước đây, Nghị quyết 144/NQ-CP chỉ cho phép thanh toán BHYT cho người bệnh, với những hợp đồng trước ngày 5/11/2022. Điều này từ Nghị quyết 30 đã tháo gỡ cực lớn cho Bệnh viện Bạch Mai và người bệnh được hưởng lợi rất nhiều.

Cùng với đó, Nghị quyết 30 đã bỏ quy định tham khảo 3 báo giá từ các nhà cung cấp khác nhau. Theo đó, chủ đầu tư gửi thông báo mời chào giá theo quy định trong thời gian tối thiểu 10 ngày, trường hợp chỉ có 1 hoặc 2 nhà phân phối hoặc doanh nghiệp cung cấp báo giá thì được sử dụng các báo giá đã nhận để làm cơ sở xây dựng giá gói thầu.

Điển hình, Bệnh viện Bạch Mai trong 2 tháng qua, đơn vị cần mua 2.000 mặt hàng hóa chất, vật tư, thiết bị y tế, nhưng khi chào thầu chỉ có 30% trong số đó đủ 3 báo giá. Như vậy, chỉ có 30% đủ điều kiện làm thầu, còn 70% không đủ điều kiện, dẫn đến thiếu thiết bị vật tư y tế phục vụ người bệnh, bây giờ Nghị quyết 30 đã "cởi trói" cho việc này.

Đồng thời, việc không bắt buộc 3 báo giá khi đấu thầu, nên Bệnh viện Bạch Mai và các bệnh viện tuyến cuối sẽ mua được các trang thiết bị y tế chỉ có một nhà sản xuất, một công ty phân phối mà những thiết bị này là những thiết bị đặc chủng, hay những thiết bị mới, hiện đại lần đầu tiên nhập về Việt Nam. Điều này hết sức quan trọng với các bệnh viện tuyến cuối, vì muốn phát triển khoa học kỹ thuật, triển khai những kỹ thuật cao thì phải nhập được những thiết bị mới, hiện đại.

Ngoài ra, không bắt buộc có 3 báo giá cũng giúp Bệnh viện Bạch Mai giải quyết được việc mua sắm các linh kiện đặc chủng để thay thế sửa chữa cho các máy hỏng đang đắp chiếu, đưa vào phục vụ người bệnh.

Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ: Tháo gỡ “nút thắt” trong mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế

Tình trạng thiếu vật tư y tế đang dần đươc khắc phục.

Nghị quyết 30 còn tháo gỡ rất lớn cho Bệnh viện Bạch Mai khi các thông tư về liên doanh, liên kết đã bãi bỏ, các loại máy móc được cho, tặng hay máy liên doanh, liên kết đã hết hợp đồng, được cho phép đi vào hoạt động để đảm bảo phục vụ công tác khám chữa bệnh; nhất là chưa cần xác lập sở hữu toàn dân nhưng được BHYT thanh toán những kỹ thuật này.

PV: Có ý kiến cho rằng, Nghị quyết 30 và Nghị định 07 chỉ giải quyết tình thế trước mắt. Về lâu dài, để giải quyết triệt để thực trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước, cần những giải pháp gì, thưa ông?

PGS.TS Đào Xuân Cơ: Có thể nói, Nghị quyết 30 song hành với Nghị định 07 cùng ra đời một lúc, phối hợp với nhau giải quyết cơ bản mang tính hết sức cấp bách vấn đề đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, hóa chất phục vụ người bệnh. Nhưng đây chỉ là giải pháp cấp bách mang tính chất "cấp cứu". Các bệnh viện và những người làm trực tiếp công tác mua sắm, đấu thầu phải hiểu đây là nghị quyết, không phải văn bản quy phạm pháp luật, do vậy giá trị chỉ mang tính chất giải quyết tình thế trước mắt.

Trong Nghị quyết 30 đã nêu rõ, yêu cầu Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan phải nhanh chóng ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn để mua sắm vật tư, thiết bị y tế, thuốc đảm bảo đúng pháp luật, đây mới là giải pháp về lâu dài.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thực hiện 1 báo giá cần chặt chẽ, chứng minh cụ thể

Tại hội nghị "Hướng dẫn triển khai Nghị định 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ", do Bộ Y tế tổ chức ngày 10/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ hết sức quan trọng, bước đầu tháo gỡ, giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế của các cơ sở y tế.

Đối với trường hợp đấu thầu, mua sắm chỉ có 1 nhà thầu, 1 báo giá, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý, khi thực hiện 1 báo giá phải đảm bảo chặt chẽ, phải có chứng minh cụ thể, tránh xảy ra lợi dụng chỉ có 1 báo giá mà vi phạm trong đấu thầu. Đồng thời, khi quyết định lựa chọn trang thiết bị và vật tư y tế, các cơ sở cần phải bảo đảm minh bạch, công tâm, trách nhiệm để thiết bị phải mang tính tối ưu về hiệu quả và chi phí đầu tư.

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, để đồng bộ thực hiện đấu thầu, mua sắm, phải chuẩn bị khẩn trương xây dựng Luật Trang thiết bị y tế; cùng với đó, phấn đấu đến tháng 4/2024 trình Quốc hội Luật Dược sửa đổi và Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi. Đồng thời, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan của Bộ Y tế phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong quá trình sửa Luật Giá và Luật Đấu thầu.