Theo ông Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa hoc Xã hội Việt Nam, những người không có hộ khẩu thường trú tại thành phố hiện nay chiếm một số lượng lớn và đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong vấn đề nhập học cho con cái, khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế.

Trẻ em đăng ký tạm trú ít có khả năng được nhận vào học ở các trường tiểu học và trung học cơ sở. Ở các cấp thấp hơn, tỷ lệ nhập học chung là như nhau, nhưng những trẻ có hộ khẩu tạm trú dễ phải đi học tại các trường tư nhân đắt đỏ hơn.

Ông Anh cho rằng, có những thủ tục không cần đến hộ khẩu nhưng có những nhà quản lý, người thực hiện những thủ tục đó cứ đòi hỏi phải xuất trình giấy chứng nhận công chứng về hộ khẩu, điều này làm cho quá thừa những thủ tục và người dân sẽ mất rất nhiều thời gian cũng như công sức trước khi hồ sơ của họ được xử lí.

“Đây là vấn đề cải cách hành chính chứ không đơn thuần chỉ là vấn đề hộ khẩu được trình ra hay tạm giữ để xem xét. Tôi muốn rằng, chúng ta đẩy mạnh cải cách hành chính cũng đừng quên hệ thống hộ khẩu này”, ông Anh nhấn mạnh.

Mặc dù có một số sáng kiến ở địa phương như ở TP Hồ Chí Minh đã cấp sổ tạm trú dài hạn (ngang với sổ hộ khẩu) song về lâu dài phải có những cải cách mới hơn, lâu dài hơn chứ không phải dựa vào những sáng kiến nhỏ, cũng như cần đổi mới nhận thức từ các cấp, đặc biệt là những cơ quan, bộ ngành trực tiếp quản lý về hộ khẩu. “Chắc chắn hướng đi sắp tới là phải đơn giản hóa, đổi mới hiện đại hóa hệ thống quản lý cư trú hộ khẩu dù bằng hộ khẩu hay thẻ căn cước”, ông Anh khẳng định.

“Chúng ta quản lý là cần thiết nhưng quản lý ở mức độ thuận tiện chứ không phải quản lý mà lại lấy phần khó cho người dân, chúng tôi cũng rất mong muốn hệ thống này sẽ được đơn giản hóa để trong tiến trình thực hiện các thủ tục hành chính thì hộ khẩu không còn là một trong những yếu tố đầu vào bắt buộc đối với việc đáp ứng cho công dân những dịch vụ cần thiết mà họ cần, họ phải có và đáng có”, ông Anh cho biết.

Mặt khác, hiện các nhà quản lí địa phương đặc biệt lo ngại về các gánh nặng mà những người nhập cư mới sẽ đặt lên các dịch vụ công. Tuy nhiên, theo ông Vũ Hoàng Linh, Chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Thế giới thì về mặt tài chính việc gia tăng người nhập cư không tạo ra gánh nặng nhiều về mặt ngân sách với các địa phương, nhất là khi tính tới nguồn thu từ thuế, từ phí mà người nhập cư tạo ra cho địa phương. Việc gia tăng thêm người cư trú sẽ gắn với các khoản chi tiêu, thu nhập cũng như các khoản chuyển nguồn lớn hơn.

Một người tăng thêm vào dân số của một tỉnh hoặc thành phố sẽ gắn với một sự gia tăng khoảng 388.000 – 456.000 đồng/năm trong chi phí về y tế giáo dục của tỉnh đó. Tác động ngân sách của một người nhập cư thêm là không rõ ràng nhưng được xác định là mang tính tích cực nhiều hơn so với việc chỉ tập trung vào các chi phí phát sinh từ việc nhập cư.

Ông Linh cho rằng: “Vấn đề là chúng ta phải thực hiện chi phí như thế nào để đảm bảo việc cung cấp dịch vụ cho địa phương, chúng ta không nên coi người nhập cư như gánh nặng cho ngân sách địa phương, bởi vì về mặt cung cấp dịch vụ chúng ta phải đảm bảo công bằng”.

Do đó, về hướng cải cách chính sách ông Linh cho rằng cần nhìn nhận theo hai hướng chính. Thứ nhất là cần đơn giản hóa thủ tục để những người tạm trú có thể xin được thường trú, hai là giảm khoảng cách tiếp cận dịch vụ giữa người thường trú và tạm trú./.

Mai Đan