Khai trương Gian hàng Việt Nam tại Hội chợ Thương mại điện tử toàn cầu 2024

Tại sự kiện, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đánh giá cao, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả quan trọng ngành Công thương đã đạt được trong triển khai cuộc vận động, đóng góp vào thành tựu phát triển chung của đất nước.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng sâu rộng, hiệu quả
Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Nguyễn Lan
Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu, ngành Công thương nghiên cứu, đúc rút từ thực tiễn những bài học kinh nghiệm để có những đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong việc triển khai, thực hiện cuộc vận động, nâng cao hơn nữa chất lượng, uy tín của hàng Việt Nam trên cả thị trường trong nước và nước ngoài, nhất là các thị trường Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do.

Trong giai đoạn phát triển mới với xu hướng toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, Phó Thủ tướng đề nghị ngành Công thương tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng về cuộc vận động, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam... Đẩy mạnh các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu; nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả...

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng sâu rộng, hiệu quả

Doanh nghiệp nhận kỷ niệm chương về thành tích tham gia hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ảnh: Nguyễn Lan

Trên thực tế, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai từ năm 2009 theo thông báo Kết luận số 264-TB/TW của Bộ Chính trị trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới tác động mạnh đến nền kinh tế nước ta. Thời điểm đó, một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý sính hàng ngoại; các ngành sản xuất gặp rất nhiều khó khăn.

Bám sát chỉ đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công thương đã phối hợp với các ban, bộ, ngành và các địa phương thực hiện đồng bộ cuộc vận động, đến nay đã thu được kết quả đáng ghi nhận.

Từ hoàn cảnh hết sức khó khăn, cuộc vận động đã góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ 2009 đến nay liên tục đạt mức tăng trưởng trên dưới 10% so với năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống dưới 5% từ năm 2014 đến nay. ​Tỷ lệ nhập siêu giảm, tiến tới xuất siêu liên tục từ năm 2016; hàng Việt tại các kênh phân phối chiếm tỷ lệ khá cao, trên 80% tại các siêu thị; từ 60% trở lên tại kênh bán lẻ truyền thống.

Theo điều tra của VCCI, năm 2023 có 63,3% doanh nghiệp FDI sử dụng hàng hóa và dịch vụ đầu vào của các doanh nghiệp Việt Nam, cao hơn rất nhiều so với 12,4% của năm 2010. Tỷ trọng trong GDP của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh và bền vững qua các năm.