Được biết, trong giai đoạn 5 năm từ 2009 - 2014, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Israel tăng trưởng nhanh chóng, quy mô tăng hơn 5 lần và vượt mốc 1,0 tỷ USD vào năm 2014. Trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng hơn 6 lần và nhập khẩu tăng trên 4,4 lần.

Nếu xét về quy mô, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Israel của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng lớn hơn kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này. Tuy nhiên, về xu hướng, thời gian gần đây, kim ngạch nhập khẩu lại có tốc độ tăng trưởng cao hơn kim ngạch xuất khẩu.

xuat khau

Xuất khẩu mặt hàng điện thoại di động và linh kiện trong 3 tháng 2015 giảm 44% so với cùng kỳ năm 2014. Ảnh: TL

Trong giai đoạn từ năm 2009 – 2014, Việt Nam chỉ xuất siêu trong hai năm 2012 và 2013. Sang đến năm 2014 và đặc biệt là 3 tháng đầu năm 2015, xu hướng nhập siêu từ thị trường Israel đã tăng trở lại. Cụ thể, nhập siêu từ Israel năm 2014 đạt 73 triệu USD. Tính riêng trong 3 tháng 2015, con số này đã là 131,3 triệu USD.

Theo Bộ Công thương, nguyên nhân của xu hướng trên là do cơ cấu mặt hàng xuất khẩu thay đổi. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện thoại di động và linh kiện có tốc độ tăng trưởng chậm lại (năm 2013 tăng 107%, năm 2014 tăng 20% và trong 3 tháng đầu năm 2015, giảm tới 44% so với cùng kỳ năm trước). Tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng điện thoại di động của có xu hướng giảm (năm 2013 đạt 53%, năm 2014 đạt 52%, 3 tháng đầu năm 2015 đạt 42%).

Đáng chú ý là trong 3 tháng đầu năm 2015, bên cạnh mặt hàng điện thoại di động và linh kiện, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng thế mạnh của Việt Nam cũng có xu hướng giảm như thủy sản (giảm 36%), cà phê (giảm 55%), dệt may (giảm 8%)...

Trong khi đó, xét về cơ cấu nhập khẩu, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Israel vào Việt Nam là máy vi tính và linh kiện liên tục tăng trưởng nhanh. Cụ thể, năm 2013 kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng 287%, năm 2014 tăng 1%, 3 tháng đầu năm 2015, tăng tới hơn 900%. Ngoài ra, mặt hàng máy móc, thiết bị cũng có kim ngạch xuất khẩu tăng 82%.

Tuy nhiên, vấn đề nhập siêu từ Israel có xu hướng tăng nhưng không thực sự đáng lo ngại, do hàng hóa hai nước có tính bổ sung lẫn nhau cao. Việc Việt Nam phải nhập khẩu máy vi tính, thẻ nhớ các loại với kim ngạch lớn là nhằm phục vụ nhu cầu lắp ráp điện tử trong nước. Các mặt hàng thuộc nhóm hàng tiêu dùng, công nghiệp chế biến nhập khẩu từ Israel không nhiều./.

Tuấn Linh