Nhiều giải pháp khoa học công nghệ ứng phó với hạn mặn
Khô hạn và xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh họa

Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các tỉnh trong vùng giai đoạn 2022-2024, thảo luận nhiệm vụ, giải pháp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của vùng trong thời gian tới.

Tại hội nghị, các đại biểu cùng thảo luận, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai hoạt động khoa học và công nghệ của vùng thời gian qua; trong đó, tập trung trao đổi, thảo luận và đưa ra các giải pháp ứng phó linh hoạt, hiệu quả với tình trạng hạn, xâm nhập mặn, sạt lở đang diễn ra ngày càng khốc liệt tại đồng bằng sông Cửu Long.

Cũng tại hội nghị, PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, hiện có nhiều công nghệ được đề xuất để xử lý hạn mặn như sử dụng hạt polyme siêu hấp thụ nước, chế tạo túi cao su mềm để lưu giữ nước ngọt, máy cấp nước từ không khí, xử lý nước nhiễm mặn bằng công nghệ thẩm thấu ngược (RO).

Hạt polyme siêu hấp thụ nước (Super Absorbent Polymer). Khả năng hấp thu nước của hạt polyme này gấp từ 300 đến 400 lần so với trọng lượng của chính nó (trung bình 1kg có thể hấp thụ đến 350 lít nước). Khả năng lưu giữ nước của hạt polyme hấp thụ nước này kéo dài từ 6-12 tháng, thậm chí lâu hơn.

Ngoài ra có thể chế tạo túi cao su mềm để lưu giữ nước ngọt. Túi cao su mềm chứa nước là sản phẩm đề tài nghiên cứu cấp nhà nước do Viện Nhiệt đới môi trường thực hiện, Bộ KH&CN cấp kinh phí.

Túi cao su mềm chứa nước gồm 3 lớp, lớp trong cùng là nhựa PE để giữ an toàn chất lượng nước phục vụ cấp nước sinh hoạt, lớp giữa có tác dụng chịu lực, lớp ngoài cùng chịu tác động của thời tiết, tránh lão hóa (nắng, mưa, UV …). Ngoài ra có thể xử lý nước nhiễm mặn bằng công nghệ thẩm thấu ngược (RO); Máy cấp nước từ không khí.

Còn TS. Châu Nguyễn Xuân Quang - Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh lại có đề xuất, chuyển hóa phụ phẩm nông nghiệp thành carbon xốp làm điện cực cho thiết bị khử mặn nước tưới tiêu. Khử mặn theo công nghệ hấp phụ điện hóa (MCDI) đáp ứng được các yêu cầu trên do sử dụng công nghệ đơn giản, chi phí thấp và tiêu hao năng lượng thấp./.