Ưu tiên đầu tư các công trình giao thông trọng điểm, huyết mạch

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm TP. Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang đóng góp khoảng 45% vào kinh tế đất nước. Do nhiều yếu tố, hoạt động logistics tại khu vực này chưa thể phát triển tương xứng với tiềm năng, trong đó nguyên nhân chủ yếu đến từ thực tế hạ tầng giao thông chưa đồng bộ và thiếu tính kết nối.

Phó Chủ tịch Hiệp hội VLA kiến nghị giải pháp phát triển logistics cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh Đỗ Doãn
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Đặng Vũ Thành chia sẻ giải pháp phát triển logistics cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh Đỗ Doãn

Ông Đặng Vũ Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, hạ tầng giao thông tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả vùng Ðông Nam Bộ nói chung thiếu tính kết nối, thiếu đồng bộ, gây tắc nghẽn trong vận chuyển hàng hóa, làm tăng chi phí về logistics của các doanh nghiệp (DN).

Chính phủ cần có chính sách kêu gọi và hỗ trợ đầu tư trung tâm logistics như ưu đãi thuế, bảo lãnh khoản vay, bảo hiểm tín dụng, tài trợ lãi suất thấp, quy hoạch các trung tâm logistics đồng bộ gắn với quy hoạch chung, các mục tiêu phát triển của địa phương và cả vùng kinh tế…

Vì vậy, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp thì không nên đầu tư dàn trải nhiều dự án mà ưu tiên xây dựng trước các công trình giao thông trọng điểm, huyết mạch như: tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành; TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài; hay các dự án kết nối cửa ngõ với 13 tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ và vùng Ðông Nam Bộ; các tuyến đường vào các cảng biển… Bên cạnh đó, hệ thống luồng kênh rạch chính quanh khu vực và một số địa phương lại chưa đón được tàu lớn (như Long An), nên cần sớm có các dự án nạo vét hệ thống kênh rạch để thu hút sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

‘‘Giải pháp chính là tập trung đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch đảm bảo cho sự luân chuyển hàng hoá và hoạt động logistics được thuận lợi, nhanh chóng, giảm chi phí cho DN; tăng cường mở rộng các tuyến đường thuỷ, nạo vét kênh rạch để giảm tải cho đường bộ, đón tàu lớn vào các khu vực làm hàng; thực hiện nhanh việc quy hoạch các trung tâm logistics, cảng cạn kết nối vào thực tế để nhanh chóng hình thành khu vực vệ tinh cho các cảng luân chuyển hàng hoá nhanh hơn…’’ – ông Thành nói.

Tăng cường đầu tư nguồn nhân lực ngành logistics

Sự thiếu hụt về nguồn nhân lực chất lượng cao về logistics cũng đang là rào cản khiến cho hoạt động này chưa thật sự phát triển. Khi nhu cầu logistics phát triển mạnh với các chuẩn mực theo tiêu chuẩn quốc tế thì ngành logistics cần đáp ứng ngay nhân sự chất lượng cao từ các viện đào tạo, trường đại học trong khu vực. Tuy nhiên, các trường đại học hiện tại có chuyên ngành liên quan đến logistics còn khá ít, trong khi nhân sự cần đào tạo chuyên sâu hơn tại DN mới có thể đáp ứng được công việc.

Nhiều giải pháp phát triển logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Đầu tư phát triển logistics sẽ thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu và gia tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Ảnh: Đỗ Doãn

Theo một cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh về chất lượng nguồn nhân lực logistics cho thấy 53,3% DN thiếu nhân viên có trình độ và kiến thức về logistics, 30% DN có đào tạo lại nhân viên và chỉ 6,7% DN hài lòng với trình độ chuyên môn của nhân viên. Lao động sẵn có cho các dịch vụ logistics hiện chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tại Việt Nam.

Hiện tại, hầu hết các công ty dịch vụ logistics ở Việt Nam đang gặp phải tình trạng thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao về kỹ năng, kiến thức chuyên môn và tiếng Anh chuyên ngành. Lao động trong lĩnh vực này cũng chưa được đào tạo bài bản. Thực tế này khiến DN phải đầu tư nhiều hơn để đào tạo lại đội ngũ nhân viên, chưa kể đến vấn đề "chảy máu chất xám" nhân lực vào các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Do đó, cần có giải pháp tập trung phát triển nguồn nhân lực càng sớm càng tốt và có chiến lược đào tạo dài hạn trong tương lai theo chuẩn quốc tế; kết hợp đào tạo lý thuyết và thực tiễn tại DN nhằm giúp người lao động nhanh chóng tiếp cận môi trường làm việc theo chuẩn quốc tế; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ phát triển thị trường dịch vụ logistics…

Ngoài ra, cũng cần tập trung phát triển ứng dụng công nghệ nhằm giúp DN logistics tối ưu hóa chi phí, tăng năng suất giao hàng và cung cấp các dịch vụ làm hài lòng khách hàng.

Thiếu hụt nhân lực logistics cấp cao

Dự báo trong 3 năm tới, các DN kinh doanh dịch vụ logistics sẽ cần thêm khoảng 18.000 lao động, trong khi các DN sản xuất, thương mại và dịch vụ sẽ cần hơn một triệu nhân sự có chuyên môn về logistics. Các công ty kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam phải đối mặt với việc thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao. Các nhà quản lý thường là những người chủ chốt, được đào tạo và đào tạo lại. Tuy nhiên, họ thiếu kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh, ít khi cập nhật kiến thức và phong cách lãnh đạo của họ chưa theo kịp nhu cầu.