ch

Lễ khai hội Chùa Hương 2016

* Lễ khai hội Chùa Hương: Thành thông lệ, cứ vào mùng 6 Tết Âm lịch, bà con Phật tử trên khắp mọi miền lại nô nức trẩy hội Chùa Hương - một trong những lễ hội lớn nhất và kéo dài nhất tại miền Bắc.

Đến với khu thắng cảnh Chùa Hương- Mỹ Đức, Hà Nội, du khách xuôi dòng suối Yến, đi cáp treo vào thăm động Hương Tích - được mệnh danh là “Nam Thiên đệ nhất động”, thành kính thắp hương tại chùa Thiên Trù…

Theo Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương năm nay, mặc dù những ngày chưa chính thức khai hội, nhưng hiện đã có khoảng gần 5 vạn người đổ về nơi đây đi lễ và thắng cảnh.

Cũng theo Ban tổ chức lễ hội, để đảm bảo cho lễ hội hoạt động trang nghiêm, cơ quan chức năng sẽ tiến hành xử lý nghiêm đối tượng có hành vi chèo kéo du khách, gây mất an ninh trật tự dọc tuyến đường về chùa Hương.

* Lễ hội Cổ Loa cũng tổ chức vào mùng 6 Tết Âm lịch tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội nhằm tưởng nhớ Thục Phán An Dương Vương- người có công xây dựng nhà nước Âu Lạc, định đô tại Cổ Loa.

Nhắc đến lễ hội Cổ Loa là người ta nhớ tới truyền thuyết về nỏ thần và mối tình Mỵ Châu- Trọng Thủy. Điểm nhấn của lễ hội là nghi thức rước Văn, tế lễ và rước thần của “bát xã”- nơi thờ Thục Phán nhằm tưởng nhớ vị thánh linh, cầu an, cầu hạnh phúc cho mọi nhà.

* Từ múng 6 đến ngày 8 Tết âm lịch, lễ hội đền Gióng ca ngợi chiến công của người anh hùng Thánh Gióng- một trong Tứ bất tử của dân tộc đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, Hội Gióng được tổ chức tại nhiều nơi ở Hà Nội.

Trong đó, 2 lễ hội tiêu biểu là hội Gióng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội - nơi sản sinh ra người anh hùng huyền thoại Thánh Gióng, khai hội mùng 8 Tết Âm lịch và hội Gióng ở đền Sóc, xã Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội)- tương truyền là nơi dừng chân cuối cùng trước khi Thánh Gióng về trời (mùng 6 Tết Âm lịch).

* Tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã tổ chức Lễ khai hội chùa Bái Đính. Đã thành thông lệ, cứ vào mùng 6 tháng Giêng hằng năm, các tăng ni, phật tử cùng du khách thập phương lại nô nức kéo về chùa Bái Đính để chiêm bái, lễ phật, cầu nguyện cho năm mới an khang thịnh vượng, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Mùa lễ hội chùa Bái Đính được diễn ra từ tháng Giêng đến hết tháng 3 Âm lịch hằng năm.

Đây là năm thứ 2 Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức lễ khai hội chùa Bái Đính kể từ khi Quần thể Danh thắng Tràng An, nơi có chùa Bái Đính tọa lạc được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Sự kiện này đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò của chùa Bái Đính trong đời sống tâm linh của người dân.

* Còn tại Khu Văn hóa núi Bài Thơ, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh và UBND thành phố Hạ Long phối hợp tổ chức lễ khai bút, khai ấn đầu xuân Bính Thân 2016.

* Sáng 13/2, lễ kỷ niệm 1976 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2016 đã trang trọng diễn ra tại đền thờ Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh, Hà Nội). Lễ kỷ niệm 1976 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Lễ hội đền Hai Bà Trưng được tổ chức nhằm tri ân công lao Hai Bà Trưng, những nữ anh hùng kiệt xuất của dân tộc và tưởng nhớ đến các vị tướng lĩnh tài ba, các nghĩa binh trung liệt.

Lễ hội đền Hai Bà Trưng diễn ra đến hết ngày 17/2 (tức mùng 10 tháng Giêng Âm lịch) với nhiều nghi lễ và hoạt động phong phú. Đặc biệt, lễ hội đền Hai Bà Trưng có nghi lễ rước kiệu độc đáo, lễ tế cộng đồng theo nghi lễ cổ truyền của các địa phương có đền thờ Hai Bà Trưng. Phần hội diễn ra với nhiều trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa truyền thống.

* Cũng trong ngày 13/2, tại Khu di tích lịch sử Đền Đuổm, xóm Đuổm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương (Thái Nguyên), Lễ hội xuân đền Đuổm - lễ hội xuân lớn nhất tỉnh Thái Nguyên đã chính thức khai hội với sự tham dự đông đảo của du khách thập phương.

Nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa mừng Đảng, mừng xuân mới, dịp này trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn diễn ra nhiều lễ hội xuân đặc sắc như: Lễ hội đình - đền - chùa Cầu Muối (huyện Phú Bình), Hội Núi Văn - Núi Võ (huyện Đại Từ), Hội Lồng tồng ATK Định Hóa...

* Cũng trong ngày 13/2, tại huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, hội vật làng Thủ Lễ chính thức được khai hội, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách về xem hội. Đây là một hoạt động thể thao, nếp sinh hoạt văn hóa độc đáo có từ lâu đời không thể thiếu trong ngày Tết của vùng đất Quảng Điền, góp phần tạo nên sự trọn vẹn của hương sắc ngày xuân.

Hội vật làng Thủ Lễ mồng 6 Tết ngày xưa với mục đích tuyển chọn những thanh niên trai tráng, khỏe mạnh cho nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước. Ngày nay, hội vật là dịp để người dân rèn luyện sức khỏe, đồng thời là ngày hội cầu an, cầu lộc, cầu tài, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân dân được sống trong hòa bình hạnh phúc.

* Một lễ hội khác được công chúng quan tâm trong những năm gần đây là lễ hội truyền thống làng Ném Thượng, phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đã chính thức diễn ra theo nghi lễ truyền thống vào ngày hôm nay. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là nghi thức chém lợn giữa sân đình đã không diễn ra mà “ông ỉn” được đưa vào khu vực kín đáo làm thịt tế thánh.

Những năm trước, lễ hội làng Ném Thượng vẫn tổ chức nghi lễ chém lợn giữa sân đình trước sự chứng kiến của nhiều người gây phản cảm. Năm 2016, để chấm dứt tình trạng trên và bảo đảm yếu tố truyền thống, tỉnh Bắc Ninh đã vận động nhân dân làng Ném Thượng điều chỉnh tục chém lợn giữa sân đình vào một khu vực riêng để làm thịt và làm cỗ ngọc tế thánh./.

Hồng Quyên (tổng hợp)