Các ngân hàng sẽ phải báo cáo

Theo khảo sát của phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam tại một số ngân hàng, nhìn chung tình hình triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất khá chậm. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng tỏ ra khá "khép kín", khi đề nghị được trao đổi về vấn đề này. Trong khi đó mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng có yêu cầu các ngân hàng thương mại sớm báo cáo về tình hình triển khai; những khó khăn vướng mắc thực tế và đề xuất các giải pháp.

Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng thực hiện theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP (Nghị định 31) của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước.
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước.

Đối tượng được hỗ trợ lãi suất là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích sử dụng vốn vay thuộc ngành nghề lĩnh vực được quy định cụ thể trong Nghị định 31. Thời hạn được hỗ trợ lãi suất tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc, hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, phù hợp với nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất được thông báo, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023. Mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế nằm trong khoảng thời gian quy định tại Nghị định 31.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất cũng có rất nhiều vấn đề liên quan cần thực hiện. Theo đó, các ngân hàng một mặt cũng phải rà soát lại các khách hàng đã cho vay từ đầu năm đến nay, đến phân loại đâu là những đối tượng được thụ hưởng chính, mặt khác xem xét phân loại đối với các khách hàng vay mới. Cho đến thời điểm hiện nay, tình hình triển khai chung có phần chậm, nhưng việc đánh giá nguyên nhân cần phải xem xét đánh giá rõ ràng trên cơ sở các ngân hàng tổng hợp báo cáo về Ngân hàng Nhà nước.

Chưa đủ cơ sở để quy kết cho “room” tín dụng

Ngay những ngày đầu triển khai gói hỗ trợ lãi suất, cũng đã có một số ý kiến lo ngại khi cho rằng việc các ngân hàng gần hết “room” tín dụng có thể sẽ ảnh hưởng tốc độ giải ngân của chương trình. Tại cuộc họp triển khai gói hỗ trợ lãi suất giữa Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại diễn ra hồi cuối tháng 5/2022, ông Trần Phương - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, khi thực chương trình sẽ phát sinh thêm các nhu cầu về cấp tín dụng. Do đó ông Phương có đưa ra kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét nới “room” tín dụng cho các tổ chức tín dụng lớn để các ngân hàng có điều kiện triển khai thông suốt chương trình.

Quy định về quyết toán hỗ trợ lãi suất hàng năm tại Nghị định 31

Ngân hàng thương mại có trách nhiệm thực hiện quyết toán hỗ trợ lãi suất hằng năm và lập hồ sơ quyết toán hỗ trợ lãi suất, trong đó các khoản vay được hỗ trợ lãi suất trong hồ sơ quyết toán phải đảm bảo đúng đối tượng, đáp ứng đầy đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất theo quy định tại nghị định này. Các ngân hàng phải xác định chính xác số tiền hỗ trợ lãi suất cho từng khách hàng và tổng hợp chung của cả ngân hàng, số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng có đầy đủ chứng từ hợp pháp. Trước ngày 10/2/2023 (đối với các khoản hỗ trợ lãi suất năm 2022) và trước ngày 10/2/2024 (đối với các khoản hỗ trợ lãi suất năm 2023), ngân hàng thương mại gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hồ sơ quyết toán hỗ trợ lãi suất năm.

Đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước cũng chưa có tín hiệu cho thấy sẽ nới “room” cho các ngân hàng. Tuy nhiên trao đổi với phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hiện nay cũng chưa có cơ sở nào đánh giá rõ ràng việc “room” có phải là lý do của việc chậm triển khai gói hỗ trợ lãi suất hay không. Ngoài ra theo ông Hùng, bên cạnh gói hỗ trợ lãi suất thì chính sách tiền tệ còn phải giải quyết nhiều nhiệm vụ khác trong việc ổn định kinh tế vĩ mô. “Đặc biệt, mục tiêu kiểm soát lạm phát là nhiệm vụ rất quan trong thời gian qua” - ông Hùng nói.

Ngoài ra, theo chia sẻ của ông Hùng, thực tế cho thấy, việc triển khai cũng phải đối diện với nhiều vấn đề mà không phải ngân hàng có thể tự giải quyết được. Chẳng hạn như dù nhiều trường hợp khách đang rất cần vốn, nhưng không phải đối tượng của chương trình, nhưng ngược lại, nhiều đối tượng đủ điều kiện thì họ lại “dửng dưng” không có nhu cầu vay.

Ngoài ra trong thực tế, các ngân hàng khi thực hiện chương trình có nhiều vấn đề không tự xác định được, nên phải có thời gian trao đổi, chờ Ngân hàng Nhà nước giải thích hướng dẫn. Cụ thể có trường hợp các ngân hàng thắc mắc là theo quy định thì khoản vay được hỗ trợ lãi suất là khoản vay được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân từ ngày 1/1/2022. Như vậy, ngân hàng cũng không biết rõ với trường hợp đã thu lãi mà không thực hiện hỗ trợ lãi suất, ngân hàng có phải hoàn trả cho khách hàng tiền lãi hỗ trợ lãi suất hay không. Về việc này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trường hợp thời điểm trả nợ lãi phát sinh trong khoảng thời gian nghị định có hiệu lực thi hành đến ngày 31/12/2023, sau khi xác định khách hàng thuộc đối tượng, đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất thì ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất cho toàn bộ kỳ thu lãi.