8 chất ma túy mới lần đầu có mặt tại Việt Nam

Theo đánh giá của Cục Điều tra chống buôn lậu, từ đầu năm đến nay trong bối cảnh Covid-19 phức tạp, công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai chặt chẽ trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, hạn chế người xuất cảnh, nhập cảnh. Nhưng các đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy vẫn dùng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm che mắt lực lượng cơ quan chức năng.

Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Hùng Anh cho biết, lực lượng hải quan đã tập trung đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, thu thập thông tin, nắm tình hình địa bàn hoạt động hải quan để xây dựng hồ sơ quản lý; tuyển chọn, xây dựng, sử dụng cơ sở bí mật, xây dựng kế hoạch, chuyên án để đấu tranh, triệt phá thành công những vụ việc lớn, nổi cộm, các đường dây, ổ nhóm, đối tượng cầm đầu hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy.

Ma túy được các đối tượng ngụy trang trong các lọ thực phẩm chức năng, thuốc gửi chuyển phát nhanh qua đường hàng không về Việt Nam.
Ma túy được các đối tượng ngụy trang trong các lọ thực phẩm chức năng, thuốc gửi chuyển phát nhanh qua đường hàng không về Việt Nam.

“Đặc biệt, ngành Hải quan đã phát huy tối đa việc sử dụng trang thiết bị, phương tiện hiện đại trong việc giám sát và phát hiện các chất ma túy. Trong các vụ án gần đây, khối lượng lớn ma túy được cất giấu lẫn trong hàng hóa như tân dược, sữa, thực phẩm chức năng, dầu gội, sữa tắm, đồ chơi trẻ em, quần áo... được đóng gói tinh vi thành các kiện hàng hóa, khiến lực lượng chức năng khó phát hiện. Song, nhờ có thiết bị hiện đại mà mọi thủ đoạn đều bị lật tẩy” - ông Hùng Anh nhấn mạnh.

Đáng chú ý, cơ quan chức năng đã phát hiện 8 chất ma túy mới, lần đầu có mặt tại Việt Nam, chưa có tên trong danh mục Nghị định 60/2020/NĐ-CP quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất do Chính phủ ban hành.

Đó là các chất: 1eP-LDS, 2-FMA, 3-FEA, 3-MMC, MDMB-4en-PINACA, ADB-BUTINACA, 4F-MDMB-BUTICA, 4F-ABUTINACA.

Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết, dù chưa có trong danh mục chất ma túy tại Việt Nam, nhưng cả 8 chất trên đều có tác dụng tương tự các chất ma túy và đã được một số nước trên thế giới đưa vào danh mục kiểm soát ma túy. Đây là thủ đoạn lợi dụng để vận chuyển, buôn bán, sử dụng trái phép các chất ma túy mới, gây khó khăn cho công tác đấu tranh phòng, chống ma túy của lực lượng chức năng.

Cảnh báo kịp thời

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tội phạm ma túy đã chế tạo ra những chất mới chưa có trong danh mục cấm để lách luật. Những chất mới chưa có trong danh mục cấm, nhưng tác dụng với người dùng cũng không khác gì ma túy. Trước đó, năm 2019 và đầu năm 2020, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện ra một số chất ma túy mới như: N-Ethylpentylone, Acetyl-psilocine, Propyphenidate... Hiện các chất ma tuý mới đã được bổ sung vào danh mục các chất ma túy cần kiểm soát tại Việt Nam, theo Nghị định 60/2020/NĐ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ.

Danh sách các loại ma túy mới sẽ không dừng lại

Ma tuý ngày nay biến hóa khôn lường, không chỉ đơn thuần những loại phổ biến ban đầu như cần sa, heroin, thuốc phiện. Hiện nay, những loại ma túy tổng hợp xuất hiện ngày càng nhiều, trà trộn dưới nhiều hình thức, len lỏi cả vào những gói kẹo, chai nước, cốc trà sữa không rõ nguồn gốc…Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, nếu năm 2015 có 292 chất và tiền chất ma túy tại Việt Nam thì đến nay, theo quy định của Chính phủ Việt Nam, có tổng cộng có tới 559 chất được đưa vào danh mục là chất ma túy. Danh sách các loại ma túy mới chắc chắn không dừng lại mà ngày càng nhiều hơn, không chỉ tăng nhanh về số lượng mà còn tăng nồng độ gây ảo giác, cực kỳ nguy hiểm cho bản thân người sử dụng và cả cộng đồng.

Do đó, để kiểm soát vấn đề này, cơ quan chức năng cần phải kết hợp nhiều biện pháp. Trước hết, chúng ta cần kiểm soát thật tốt nguồn cung ma túy ngay từ cửa khẩu và biên giới. Bên cạnh đó, trong nội địa cần phải kiểm soát chặt chẽ các hóa chất, tiền chất cũng như các loại thuốc tân dược, thuốc thú y có liên quan đến tội phạm ma túy.

Ngay sau khi phát hiện 8 chất ma túy mới, Cục Điều tra chống buôn lậu đã có văn bản cảnh báo các đơn vị nghiệp vụ, chuyên trách phòng chống ma túy thuộc cục và các cục hải quan địa phương để tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát phục vụ công tác đấu tranh phòng chống ma túy trong lĩnh vực hải quan.

Hiện nay, lực lượng chức năng đã nhận diện được đặc điểm mẫu thu giữ, đặc điểm hóa học bao gồm: công thức phân tử, khối lượng, tên khoa học, tên khác, công thức cấu tạo, địa bàn xuất hiện, cách dùng,… của các chất mới nêu trên.

Có thể thấy, công tác cảnh báo và hướng dẫn đã kịp thời cập nhật tình hình, phương thức, thủ đoạn, tuyến đường, các loại ma túy mới, hướng dẫn các biện pháp, phương án để các đơn vị trong tổng cục chủ động phát hiện, bắt giữ các vụ buôn bán, vận chuyển ma tuý qua biên giới.

Trong thời gian tới, “để đối phó với những chiêu trò tinh vi, ngành Hải quan sẽ triển khai quyết liệt nhiều giải pháp từ cấp tổng cục đến cấp cục hải quan tỉnh, thành phố; trong đó, tăng cường công tác cảnh báo nghiệp vụ, đào tạo và tuyên truyền phòng, chống ma túy; thường xuyên ban hành công văn cảnh báo, hướng dẫn và tăng cường công tác kiểm soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất” - Nguyễn Hùng Anh nhấn mạnh.

Ngoài ra, ngành Hải quan sẽ tiếp tục chú trọng tăng cường công tác theo dõi, tổng hợp, trao đổi thông tin, phối hợp trong, ngoài ngành và ngoài nước về hoạt động của tội phạm ma túy trong lĩnh vực hải quan. Được biết, mới đây, qua kênh hợp tác quốc tế do Cục Điều tra chống buôn lậu tiếp nhận, Hải quan Nhật Bản đã bắt giữ một số hàng hóa khai báo là thuốc lá, theo loại hình chuyển phát nhanh giữa Việt Nam - Nhật Bản, có chứa chất MDMB-4en-PINACA, ADB-BUTINACA.

Phối hợp nâng cao nghiệp vụ kiểm soát ma túy

Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết, thời gian qua, xuất hiện thủ đoạn rất tinh vi của tội phạm ma túy là dùng dẫn xuất của một chất ma túy phối trộn tạo ra viên nén để sử dụng, sau khi uống viên nén này vào cơ thể người sẽ chuyển hóa, giải phóng ra chất ma túy.

Đơn cử, lực lượng chức năng đã tìm thấy chất Acetylpsilocine - không có trong danh mục chất ma túy tại Việt Nam là dẫn xuất của Psilocine trong viên nén, khi uống vào cơ thể sẽ chuyển hóa và giải phóng ra chất Psilocine có tác dụng gây tác dụng ảo giác mạnh (Psilocine đã có trong danh mục chất ma túy).

Được biết, trong giai đoạn 2017-2020, Cục Điều tra chống buôn lậu đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành chuyên môn của Cục Hóa chất (Bộ Công thương); Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế); Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cơ bản về công tác đấu tranh phòng, chống ma túy nhằm nâng cao nhận thức, trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, công chức hải quan và đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ kiểm soát ma túy cho lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, công chức toàn ngành nhận thức đầy đủ về tác hại của ma túy và tệ nạn ma túy; tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, đặc biệt là cư dân sinh sống trong địa bàn cửa khẩu, không tham gia buôn bán, vận chuyển trái phép hoặc che giấu tội phạm ma túy, tự giác tố giác tội phạm về ma túy...