Chiều ngày 9/8, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn đã chủ trì buổi làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hà Nội và Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về việc tổ chức thực hiện kế hoạch của UBND thành phố về triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi).

Mở rộng khu công nghệ cao

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc Lê Thanh Sơn cho biết, căn cứ Luật Thủ đô (sửa đổi) và Kế hoạch số 225/KH-UBND ngày 22/7/2024 của UBND thành phố về triển khai thi hành Luật Thủ đô, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi).

Phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cần cơ chế đặc thù riêng
Quang cảnh buổi làm việc.

Về các nội dung nhiệm vụ, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được phân công chủ trì thực hiện 5 nội dung: Quy định chi tiết trình tự, thủ tục thành lập, mở rộng Khu Công nghệ cao quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24. Quy định trình tự, thủ tục thực hiện thẩm quyền của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao tại điểm a, b, c, d khoản 3 Điều 24. Quy định cơ chế, chính sách, biện pháp ưu đãi, hỗ trợ để thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao làm việc tại Khu Công nghệ cao và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại Khu Công nghệ cao.

Xác định mức thu, việc thu, nộp, sử dụng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng hoàn trả của người sử dụng đất tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; chính sách ưu đãi, hỗ trợ về tiền bồi thường giải phóng mặt bằng hoàn trả đối với một số trường hợp cụ thể. Việc xác định mức thu, việc thu, nộp, sử dụng tiền sử dụng hạ tầng, tiền xử lý nước thải và chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong phạm vi Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc phối hợp thực hiện 4 nội dung: Quy định chi tiết Điều 29 về Phát triển nhà ở. Quy định nguyên tắc, điều kiện, nội dung, cơ chế tài chính, trình tự, thủ tục thực hiện việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình, hạng mục công trình thuộc phạm vi quản lý của thành phố; nguyên tắc, điều kiện, nội dung, cơ chế tài chính, trình tự, thủ tục lập, lấy ý kiến, quyết định đề án sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của thành phố vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

Quy định biện pháp bảo vệ, giữ gìn, tu bổ công trình, hạng mục công trình thuộc phạm vi quản lý của thành phố trong quá trình nhượng quyền khai thác, quản lý và kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Quy định việc thực hiện của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của thành phố về nội dung: Tài sản do tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hiến, biếu, tặng, cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ và hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác cho Ban quản lý Khu Công nghệ cao…

Khẩn trương rà soát các nội dung để triển khai đảm bảo tiến độ

Tai cuộc họp, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc Lê Thanh Sơn cũng nêu vướng mắc, khó khăn khi được giao chủ trì xây dựng “Quy định cơ chế, chính sách, biện pháp ưu đãi, hỗ trợ để thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao làm việc tại Khu Công nghệ cao và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại Khu Công nghệ cao” yêu cầu phải hoàn thành và trình HĐND thành phố thông qua vào tháng 11/2024.

Theo Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn, sau khi UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 225/KH-UBND ngày 22/7/2024, sở đã triển khai các nội dung công việc bám sát theo các Điều 23, Điều 25, Điều 36 Luật Thủ đô 2024. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) để đảm bảo kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả theo chỉ đạo của UBND thành phố; đảm bảo việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đề án và các nhiệm vụ…

Phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cần cơ chế đặc thù riêng
Phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cần cơ chế đặc thù riêng. Ảnh: TL

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn đánh giá cao tinh thần chủ động, trách nhiệm của các sở ngành, đơn vị trong triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi). Đồng thời yêu cầu các sở ngành, đơn vị khẩn trương rà soát các nội dung nhiệm vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị để triển khai các nội dung liên quan đảm bảo tiến độ, hiệu quả.

Nhấn mạnh quản lý nhà nước phải đề xuất, tham mưu, thực hiện chính sách, ông Sơn đề nghị đối với các nội dung phối hợp, phải xác định rõ đơn vị chủ trì; việc quy trình xây dựng văn bản phải chặt chẽ. Trường hợp bộ phối hợp với các sở ngành, lãnh đạo UBND thành phố sẽ chủ trì họp cùng bởi đây là trách nhiệm của UBND thành phố.

“Để Khu Công nghệ cao Hòa Lạc phát triển xứng tằm là hạt nhân trung tâm đổi mới sáng tạo của đất nước thì phải có cơ chế đặc thù riêng mới có thể thực hiện được. Để thu hút người tài về lĩnh vực khoa học và công nghệ, căn cứ thực tiễn của thành phố, sẽ có nghị quyết về thu hút, sử dụng người tài…” - ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh./.