M&A logistics luôn sôi động

Với quy mô ngành đạt mức tăng trưởng trung bình từ 14 - 16% mỗi năm, các doanh nghiệp logistics đang có cơ hội rất lớn để bứt phá.

Theo bảng xếp hạng về Chỉ số thị trường mới nổi của Agility - nhà cung cấp dịch vụ logistics hàng đầu thế giới, Việt Nam đứng thứ 10/50 thị trường mới nổi vào năm 2023, tăng một bậc so với năm trước.

Phát triển ngành logistics: Nhiều triển vọng, cơ hội và thách thức
M&A được xem là cách tối ưu để thiết lập chỗ đứng vững chắc, đồng thời tận dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có. Ảnh minh họa.

Đặc biệt hơn, xu hướng M&A trong ngành logistics tại Việt Nam đang là một lựa chọn chiến lược tiềm năng cho các nhà đầu tư quốc tế. Theo đó, thay vì xây dựng từ đầu, việc mua lại hoặc hợp tác với các doanh nghiệp nội địa có sẵn cơ sở hạ tầng là cách hiệu quả để tránh những thủ tục phức tạp, rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí đáng kể.

Việt Nam đang có hơn 30.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực logistics. Doanh nghiệp trong nước chiếm 89% về số lượng, nhưng chỉ chiếm 30% thị phần. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp liên doanh chiếm 10% và 1% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, nhưng chiếm tới 70% thị phần.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 30/9/2024, tổng vốn đăng ký của các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, đã đạt mức hơn 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, vốn thực tế được các nhà đầu tư rót vào các dự án đạt khoảng 17,3 tỷ USD, tăng 8,9%. Mặc dù con số này không hoàn toàn dành riêng cho ngành logistics, nhưng cho thấy mức độ quan tâm và sức hút của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế, bao gồm cả lĩnh vực logistics.

Đầu năm nay, Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đã hoàn thiện trung tâm logistics tại Quảng Ngãi, với vốn đầu tư hơn 17 triệu USD.

Hay Tập đoàn Sembcorp là một trong những ông lớn nhìn thấy được tiềm năng tăng trưởng của thị trường logistics Việt Nam từ sớm và mạnh tay đổ tiền đầu tư vào lĩnh vực này.

Ông Đinh Hoài Nam - Giám đốc phát triển kinh doanh của SLP Việt Nam, cho biết: “Chiến lược đầu tư của công ty là ưu tiên mua lại các doanh nghiệp có sẵn quỹ đất vì điều đó giúp tránh được các quy trình phức tạp như xin giấy phép dự án hay giải phóng mặt bằng. Đây là cách tối ưu để thiết lập chỗ đứng vững chắc, đồng thời tận dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có”.

Có thể thấy, ngành logistics tại Việt Nam đang trải qua những bước chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh làn sóng đầu tư và hoạt động M&A diễn ra sôi động, không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp ngoại tăng tốc chiếm lĩnh thị trường mà còn là động lực để doanh nghiệp nội thay đổi nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của một ngành được xem là xương sống của nền kinh tế.

Cần nhiều động lực để doanh nghiệp nội không hụt hơi

Các chuyên gia cho rằng, M&A là lối đi tắt để phát triển và xu thế là tất yếu với thị trường logistics Việt Nam. Tuy nhiên, việc các nhà đầu tư quốc tế sẵn sàng rót vốn lớn để tham gia thị trường đã tạo ra sức ép cạnh tranh khốc liệt cho các doanh nghiệp trong nước vốn còn đang gặp nhiều thách thức trong việc mở rộng quy mô và duy trì lợi thế.

Phát triển ngành logistics: Nhiều triển vọng, cơ hội và thách thức
Để duy trì sự cạnh tranh và phát triển bền vững, các doanh nghiệp logistics cần tập trung vào chuyển đổi số và phát triển bền vững. Ảnh minh họa.

Cụ thể, các doanh nghiệp trong nước gần như chưa có nhiều kinh nghiệm trong thương thảo, đàm phán. Thậm chí chưa có chuyên môn phân tích về tỷ lệ góp vốn, tỷ lệ biểu quyết và việc bán một phần hay toàn phần sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hiện chính sách và thể chế dành cho ngành còn chưa đồng bộ. Các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn về nguồn vốn, thiếu kinh nghiệm và nguồn nhân lực chất lượng cao, dẫn đến khó mở rộng quy mô và cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại.

Ông Đinh Thanh Sơn - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu chính Viettel, chia sẻ: “Ngoài nguyên nhân như pháp lý chưa chi tiết và đồng nhất, hạ tầng giao thông và logistics chưa đồng bộ, thì nguyên nhân cơ bản là do các doanh nghiệp nội địa vẫn gặp khó ở vốn đầu tư, nguồn nhân lực, thiếu kinh nghiệm... dẫn tới khó mở rộng quy mô hoạt động và khó cạnh tranh.”

Để duy trì sự cạnh tranh và phát triển bền vững, các doanh nghiệp logistics cần tập trung vào chuyển đổi số và phát triển bền vững. Ông Cao Hồng Phong - Phó Tổng giám đốc cảng Gemalink, cho biết: “Gemalink đã tiến hành kiểm kê phát thải khí nhà kính hàng năm và chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo, đây là những bước đi cần thiết để phát triển cảng thông minh và bền vững”.

Theo đó, cảng Gemalink hiện đóng vai trò quan trọng trong kết nối giao thương giữa Việt Nam và các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu, dự kiến khởi công giai đoạn 2A từ năm 2026.

Ông Đỗ Hoàng Phương - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại và tiếp vận Bảo Tín, cho rằng: “Việc ứng dụng công nghệ trong quản lý vận hành giúp tiết kiệm chi phí dài hạn. Công ty đã đầu tư mạnh mẽ vào tự động hóa, từ quản lý đội xe đến theo dõi lộ trình nhằm giảm thời gian vận chuyển và hạn chế lãng phí, không chỉ vậy còn tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.”

Về phía chính phủ, ông Lê Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết: “Việt Nam đang sửa đổi hàng loạt chính sách nhằm phân quyền mạnh hơn và cải thiện cơ sở hạ tầng, bao gồm cả tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và hệ thống đường bộ. Những thay đổi này sẽ giúp tăng cường kết nối và giảm chi phí logistics, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai”.

Ông Đỗ Thành Trung - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kêu gọi: “Chúng tôi cần ý kiến từ doanh nghiệp để hoàn thiện chính sách, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngành logistics. Đồng thời, cần có sự đồng hành giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp để vượt qua các thách thức và phát triển mạnh mẽ hơn”.