Giai đoạn 2011 - 2015 NSNN và tiền thu phí sử dụng đường bộ

Giai đoạn 2011 - 2015 NSNN và tiền thu phí sử dụng đường bộ để lại chi công tác bảo trì đường bộ là trên 23 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của Bộ Tài chính, việc thực hiện cơ chế chính sách cho lĩnh vực này vẫn thiếu khung pháp lý đầy đủ và phân bổ kinh phí còn dàn trải.

Chính sách của một số bộ còn thiếu tầm nhìn dài hạn

Trong báo cáo của Bộ Tài chính gửi Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội về thực hiện cơ chế chính sách cho phát triển sự nghiệp kinh tế của các bộ, ngành cho thấy, cơ chế, chính sách cho phát triển sự nghiệp kinh tế đều thực hiện theo Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn, vì vậy, cơ bản đã bao quát được các hoạt động tài chính theo từng lĩnh vực: Quy định cụ thể nhiệm vụ chi theo phân cấp NSNN hiện hành, quy định các mức chi, việc lập, chấp hành dự toán, thanh toán, quyết toán ngân sách nguồn kinh phí sự nghiệp để các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả; và cũng là cơ sở để Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi chặt chẽ theo quy định.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực của cơ chế chính sách, Bộ Tài chính cũng chỉ ra hệ thống chính sách, pháp luật về phát triển một số sự nghiệp kinh tế chưa đầy đủ. Đơn cử, một số bộ, ngành như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Y tế, Bộ Công thương vẫn chưa xây dựng quy chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật quản lý hàng dự trữ quốc gia của ngành mình. Do vậy, khi bố trí kinh phí chi cho nhiệm vụ này hàng năm gặp khó khăn, thường phải bổ sung kinh phí bảo quản, nhập xuất hàng dự trữ quốc gia để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Thực trạng này là do các bộ, ngành đề xuất mới chỉ tập trung cho một dự án, đề án cụ thể, chưa bao quát được nhiệm vụ của lĩnh vực, ngành, dẫn đến các cơ chế chính sách ban hành thiếu tầm nhìn dài hạn…

Báo cáo về tình hình phân bổ, sử dụng NSNN phát triển sự nghiệp kinh tế của các bộ, ngành giai đoạn 2011 - 2015, Bộ Tài chính cho biết, căn cứ khả năng của NSNN hàng năm, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ xem xét, tổng hợp trình Chính phủ, trình Quốc hội phê duyệt dự toán chi NSNN của các bộ trong đó có kinh phí sự nghiệp kinh tế. Nhờ có nguồn kinh phí hỗ trợ từ NSNN cho sự nghiệp kinh tế, các chương trình, dự án kinh tế của nhiều bộ, ngành đã có kết quả tích cực.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc phân bổ của nhiều chương trình còn dàn trải. Đơn cử như một số chương trình của Bộ NN&PTNT chưa tập trung cho các dự án có tính chất dài hạn tạo sự chuyển biến mạnh trong sản xuất và tiêu thụ như chương trình xây dựng thương hiệu gạo và một số mặt hàng chủ lực. Một số nhiệm vụ khuyến công còn chồng chéo giữa trung ương và địa phương. Ở một số dự án của Bộ Tài nguyên và Môi trường, công tác phê duyệt nội dung, dự toán còn chậm, như dự án điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển thuộc Đề án 47.

Tăng kinh phí bảo trì hệ thống giao thông và dự trữ quốc gia

Bộ Tài chính cũng cho biết, ngay cả kinh phí bố trí cho Bộ Giao thông Vận tải để quản lý, vận hành, bảo trì các lĩnh vực hàng hải, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt… hàng năm đã được ưu tiên phân bổ năm sau cao hơn năm trước; tuy nhiên, do nhiệm vụ duy tu, bảo trì thường xuyên hệ thống cơ sở hạ tầng lớn, chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố thời tiết, thiên tai, dịch vụ vận chuyển kết nối giữa các loại hình vận tải hạn chế nên vận chuyển đường thủy, đường sắt chưa chia sẻ được cho đường bộ. Đây cũng là nguyên nhân làm cho một số quyến đường bộ xuống cấp nhanh, phát sinh nhu cầu vốn bảo trì lớn.

Đặc biệt, việc xã hội hóa để thu hút các nguồn vốn ngoài NSNN cho bảo trì cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế, ngoài những hệ thống đường quốc lộ đã được đầu tư nâng cấp theo hình thức xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT).

Với những hạn chế được Bộ Tài chính báo cáo, Bộ đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phát triển một số sự nghiệp kinh tế. Cụ thể, ngoài việc ban hành Luật Quy hoạch, thì tiếp tục ưu tiên bố trí NSNN nguồn sự nghiệp kinh tế cho các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu của từng ngành, lĩnh vực trong thời gian tới theo các quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tăng nguồn kinh phí NSNN cho bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông; tăng kinh phí cho dự trữ quốc gia nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh đảm bảo an ninh, quốc phòng nhất là thiên tai, dịch bệnh diễn ra trên diện rộng.

“Ngoài ra, các bộ, ngành chủ động rà soát để phát hiện những bất cập, hạn chế trong cơ chế, chính sách, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tế của từng ngành, từng lĩnh vực cũng như đẩy mạnh xã hội hóa để huy động nguồn lực ngoài NSNN đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành, lĩnh vực”, Bộ Tài chính đề nghị.

Kinh phí NSNN bố trí phát triển sự nghiệp kinh tế các bộ, ngành giai đoạn 2011- 2015 của Bộ Công thương trên 837 tỷ đồng; Bộ NN&PTNT trên 4.261 tỷ đồng (ngoài ra, giai đoạn 2013 - 2015 ngân sách trung ương bố trí hỗ trợ ngân sách địa phương mỗi năm 495 tỷ đồng); Bộ Tài nguyên và Môi trường gần 3.900 tỷ đồng; Bộ Giao thông Vận tải gần 39.500 tỷ đồng.

Hoàng Minh