ug h

Biển người đi bộ đông nghịt trên quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Theo các chuyên gia việc lựa chọn thí điểm các tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm không chỉ đáp ứng không gian văn hóa du lịch của người dân, du khách mà còn là sự khởi đầu của con đường tìm lại văn hiến Thủ đô.

Do vậy, việc thí điểm các tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm là chủ trương đúng và trúng của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, đáp ứng mong mỏi của đại đa số người dân cả nước.

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Quốc Thông - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, hầu như thành phố lâu đời nào trên thế giới cũng có không gian đi bộ cho riêng mình. Với Hà Nội, việc lựa chọn Hồ Gươm, biểu trưng văn hóa lịch sử lâu năm của thành phố là tự nhiên và tất yếu.

Đồng quan điểm, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh cũng cho rằng đề án này của Hà Nội cho thấy “Sự dũng cảm cần được hoan nghênh”.

Kiến Trúc sư Trần Huy Ánh khẳng định: Ai cũng hiểu để thành công, một phố đi bộ đúng nghĩa cần rất nhiều yếu tố về cảnh quan, tiện ích, sự tương tác với không gian xanh và hệ thống dịch vụ. Khi đã quyết như vậy, chúng ta cứ làm theo tinh thần “ném đá dò đường” để điều chỉnh và hoàn thiện dần không gian đi bộ này trong tương lai.

Trên thực tế, việc thí điểm các tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm đã được lãnh đạo thành phố Hà Nội nâng lên đặt xuống khá lâu. Còn nhớ, năm 2004, Hà Nội đã thực hiện thí điểm tuyến phố đi bộ từ Hàng Đào đến chợ Đồng Xuân.

Năm 2014, không gian đi bộ được mở rộng 6 tuyến phố đi bộ trong khu bảo tồn cấp I của phố cổ Hà Nội (gồm Hàng Buồm, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Mã Mây, Đào Duy Từ, Tạ Hiện). Điều này cho thấy ý tưởng biến không gian quanh Hồ Gươm thành trục phố đi bộ đã được chính quyền thành phố Hà Nội cân nhắc khá kỹ.

Từ một chủ trương đúng, cộng hưởng với quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội không ngại "đụng chạm" đã cho thành quả là từ ngày 1/9/2016 không gian phố đi bộ Hà Nội chính thức được thí điểm ở 16 tuyến phố quanh hồ Hoàn Kiếm.

Không phải hầu hết người dân sống trong khu vực không gian phố đi bộ đều đồng tình với chủ trương này. Có những ý kiến cho rằng sau mỗi đêm người dân và du khách tham quan, phố đi bộ lại ngập trong rác.

Thêm vào đó, phố đi bộ gây sự ức chế giao thông cục bộ khiến người dân buộc phải thay đổi thói quen đi lại của mình, thậm chí gây bất tiện đến đời sống sinh hoạt và kinh doanh của người dân. Song, thực tế việc rác thải đầy đường là do ý thức người dân xả rác bừa bãi, không phải do lỗi từ chủ trương của thành phố.

Đặc biệt, để có một không gian văn hóa đi bộ, trải nghiệm truyền thống văn hiến hơn 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, mỗi người dân Thủ đô cũng cần chia sẻ và chung tay thực hiện vì một thành phố Xanh - Sạch - Đẹp.

Kiến trúc sư Lại Thành Tín cho rằng: Ở thời điểm hiện tại, những du khách muốn chiêm nghiệm không gian đi bộ quanh hồ hãy chấp nhận phương án gửi xe từ xa hoặc đi xe bus tới các điểm dừng gần đó rồi đi bộ thêm vài trăm mét.

Kiến trúc sư dẫn chứng: Câu chuyện này cũng giống như chuyện đi cáp treo lên đỉnh Phan Xi Păng hoặc vào hang Sơn Đoòng. Nghĩa là nếu thật sự yêu quý và trân trọng Hồ Gươm thì thêm vài bước chân qua các tuyến phố không là điều gì đáng kể.

Nhà báo Trần Lan Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận phân tích: Có thể ở thời điểm hiện tại, nhiều người thấy phiền bởi buộc phải thay đổi những thói quen. Nhưng khi những thói quen đang tồn tại hiện nay là nguyên nhân khiến thành phố trở nên tệ hại, lý do gì khiến ta từ chối sự đổi thay? Nhất là khi đó là sự đổi thay mang đến cơ hội cho một cuộc sống dễ chịu hơn.

Một thành phố với những không gian bộ hành, con người không còn bị ngăn cách bởi những lớp cửa kính, mũ bảo hiểm chắc chắn sẽ thân thiện và gần gũi với nhau hơn, thành phố Hà Nội cũng sẽ xứng danh hơn với sự tin yêu, tôn vinh của bè bạn quốc tế dành cho Hà Nội - Thành phố vì Hòa bình.

Theo Đề án, các tuyến phố đi bộ ở Hà Nội bao gồm: Đinh Tiên Hoàng, Lê Lai, Lê Thạch, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền (đoạn từ Ngô Quyền đến phố Đinh Tiên Hoàng), Hàng Khay, Lê Thái Tổ (một nửa phía đường hồ Hoàn Kiếm đoạn từ Hàng Trống đến phố Hàng Khay), Lò Sũ, Hàng Dầu (đoạn từ ngã tư Lò Sũ - Hàng Dầu đến Đinh Tiên Hoàng), khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Trần Nguyên Hãn (từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ), Lương Văn Can (đoạn từ Hàng Hành đến Lê Thái Tổ), Bảo Khánh (đoạn từ ngõ Bảo Khánh đến phố Lê Thái Tổ), Hàng Bài (đoạn từ phố Hai Bà Trưng đến Tràng Tiền).

Trong đó, không gian tổ chức các hoạt động chính là khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, khu vực vườn hoa đền Bà Kiệu, khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, khu vực số 16 Lê Thái Tổ, khu vực tượng đài vua Lê Thái Tổ, cầu Thê Húc.

Thời gian thí điểm thực hiện từ ngày 1/9 đến hết năm 2016, thời gian thực hiện 19 giờ ngày thứ Sáu đến 24 giờ ngày Chủ nhật hàng tuần./.

Theo TTXVN