My cuba

Đây là một bước ngoặt lịch sử trong quan hệ đầy sóng gió giữa Cuba và Mỹ trong hơn nửa thế kỷ qua.

Cuba đã trải qua gần 54 năm bị Mỹ áp dụng lệnh cấm vận kinh tế. Kể từ năm 1960, sự phong tỏa của Mỹ đã khiến người dân, đặc biệt là trẻ em Cuba không có điều kiện tiếp cận các loại thuốc men chữa bệnh hiểm nghèo. Đó là chưa kể việc Cuba không được phép nhập và xuất khẩu hàng hóa từ Mỹ, không được sử dụng đồng USD trong các giao dịch với đối tác nước ngoài cũng như không được tiếp cận với các cơ chế tín dụng quốc tế lớn...

Ước tính rằng, lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với Cuba trong hơn nửa thế kỷ qua đã khiến nền kinh tế Cuba thiệt hại khoảng 116,8 tỷ USD.

Trong những năm qua, Cuba cùng nhiều nước trên thế giới đã phản đối và yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận này. Kể từ năm 1992, hàng năm, Đại hội đồng Liên hợp quốc đều thông qua nghị quyết yêu cầu Mỹ dỡ bỏ cấm vận chống Cuba. Mới đây nhất, trong phiên họp toàn thể ngày 28/10/2014 của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 69, có 188 trên tổng số 193 nước thành viên Liên hợp quốc đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết "Sự cần thiết chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính của Mỹ chống Cuba".

Nghị quyết được thông qua sau khi đại diện của các nước và nhóm nước như Phong trào Không liên kết (NAM), Nhóm các quốc gia đang phát triển (G-77), châu Phi, Cộng đồng các nước Caribe và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC)… đều phản đối và lên án mạnh mẽ lệnh cấm vận của Mỹ chống Cuba, coi đây là hành động vi phạm các nguyên tắc Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Các đại diện kêu gọi Mỹ có trách nhiệm thực thi các Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc và chấm dứt ngay lệnh cấm vận đối với Cuba. Dư luận quốc tế cũng đều đồng loạt lên tiếng ủng hộ Nghị quyết trên.

Trong thông điệp gửi tới toàn thể nhân dân, Chủ tịch Cuba Raul Castro đã chính thức tuyên bố sẽ bình thường hóa quan hệ với Mỹ sau 53 năm gián đoạn: "Chúng tôi nhất trí tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ sau hơn nửa thế kỷ".

Trong lúc đó, từ thủ đô Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng khẳng định "một chương mới" đã được mở ra trong quan hệ giữa nước này với Cuba, đồng thời nhấn mạnh đã đến lúc chấm dứt "cách tiếp cận lỗi thời" vốn không thể giúp thúc đẩy quan hệ song phương.

Theo Tổng thống Mỹ, những điều chỉnh trong chính sách với Cuba sẽ tạo điều kiện để hai bên xích lại gần nhau hơn, tìm lại sự tin tưởng lẫn nhau để hướng tới một tương lai phát triển bền vững và ổn định ở khu vực.

Có thể nói, đây là sự kiện được nhân dân cả hai nước Cuba và Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế mong đợi từ rất lâu. Quyết định tái thiết lập quan hệ ngoại giao trên cũng cho thấy cả Cuba và Mỹ đã sẵn sàng cho một mối quan hệ cùng chung sống trên cơ sở tôn trọng những khác biệt và quyết tâm giải quyết những bất đồng thông qua đối thoại và đàm phán.

Tuy nhiên, như Chủ tịch Raul Castro đã nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình rằng điều này không có nghĩa là vấn đề chính đã được giải quyết. Để hai bên thực sự bình thường hóa thì chính sách bao vây cấm vận kinh tế, tài chính và thường mại cần phải được dỡ bỏ và mặc dù các chính sách này đã được Quốc hội Mỹ thông qua thành luật, nhưng Tổng thống Obama hoàn toàn có thẩm quyền để điều chỉnh việc áp dụng.

Trong một động thái mới nhất ngay sau tuyên bố của Tổng thống Obama, Bộ Tài chính Mỹ đã thông báo trong "vài tuần tới" sẽ sửa đổi các lệnh trừng phạt tài chính đối với Cuba…

Sau khi Mỹ và Cuba tuyên bố bình thường hóa quan hệ song phương, dư luận quốc tế đã ngay lập tức lên tiếng bày tỏ ủng hộ đối với quyết định lịch sử này của hai nước.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tuyên bố, Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ giúp hai nước phát triển mối quan hệ mới. Ông Ban Ki-moon khẳng định đây là một thông tin vô cùng lạc quan khi hai nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba đã tiến được một bước quan trọng trên con đường bình thường hóa quan hệ.

Các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước trên thế giới cũng lên tiếng hoan nghênh quyết định của Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro trong việc bình thường hóa quan hệ, đồng thời hối thúc Quốc hội Mỹ bãi bỏ lệnh bao vây phong tỏa quốc đảo này trong hơn nửa thế kỷ qua.

Từ Vatican, Giáo hoàng Francis cũng lên tiếng chúc mừng quyết định của Mỹ và Cuba. Tuyên bố của Giáo hoàng khẳng định Vatican luôn sẵn sàng giúp đỡ hai nước trong việc củng cố quan hệ song phương. Tòa thánh Vatican và trực tiếp là Giáo hoàng Francis, là đối tác trung gian quan trọng đã giúp Mỹ và Cuba xích lại gần nhau./.

Phương Nam (tổng hợp)