Ngày càng nhiều vi phạm có liên quan đến hoạt động thương mại điện tử
Thương mại điện tử đang trở thành xu hướng mua sắm phổ biến và ngày càng phát triển mạnh mẽ đã đặt ra những thách thức mới trong công tác giám sát, kiểm tra thị trường, đặc biệt là vấn đề hàng giả, hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tại Quảng Ninh, thời gian qua lực lượng quản lý thị trường đã liên tục phát hiện, đấu tranh, bắt giữ hàng loạt các trường hợp vi phạm. Nhiều vụ việc sử dụng mạng xã hội kinh doanh hàng nhập lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đã được chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra tiếp tục thẩm tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.
Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. |
Thương mại điện tử đang dần trở thành nhân tố cốt lõi và là xu hướng tất yếu của nền kinh tế, ngoài kinh doanh truyền thống hiện nay phần lớn các tổ chức, cá nhân kinh doanh đều sử dụng các ứng dụng mạng xã hội (zalo, facebook …), đăng ký gian hàng trên website thương mại điện tử để kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm. |
Cụ thể, qua nắm tình hình kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội, thương mại điện tử, trong 03 ngày 23 - 25/9/2024, Cục quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên tiếp bắt giữ kiểm tra, xử lý 04 vụ sử dụng mạng xã hội kinh doanh sản phẩm thuốc lá điện tử, phạt tiền 27 triệu đồng, buộc tiêu hủy gần 700 sản phẩm là máy hút thuốc lá điện tử và tinh dầu để hút thuốc lá điện tử.
Việc kinh doanh mặt hàng thuốc lá điện tử ngày càng có diễn biến phức tạp, các đối tượng chủ yếu sử dụng mạng xã hội như: Facebook, zalo, tiktok… và không có địa chỉ kinh doanh cụ thể nên các cơ quan chức năng rất khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.
Hay như ngày 28/10/2024, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Công an tỉnh đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ thẩm tra, xác minh tài khoản Facebook “Shop Pickleball - Hạ Long” do hộ kinh doanh shop Pickle Ball, địa chỉ: khu 2A, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh do bà V.T.V.A sinh năm 1996 làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện, tạm giữ 393 chiếc vợt, bóng, túi đựng vợt có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Franklin, Engage đang được bảo hộ tại Việt Nam có trị giá hơn 83 triệu đồng và 3.337 chiếc vợt, bóng và dụng cụ pickleball nhập lậu có trị giá hơn 355 triệu đồng.
Bà V.T.V.A đại diện Hộ kinh doanh Shop Pickle Ball không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Đoàn kiểm tra lập biên bản tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm để tiếp tục thẩm tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ QLTT, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng QLTT Quảng Ninh đã tiến hành kiểm tra 113 vụ việc, phát hiện và xử lý 130 hành vi vi phạm trong thương mại điện tử. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 1,6 tỷ đồng đồng, trị giá hàng hoá phát mại hơn 764 triệu đồng, số thu lợi bất hợp pháp hơn 12 triệu đồng, trị giá hàng hoá vi phạm hơn 2,1 tỷ đồng.
Đẩy mạnh kiểm tra, xử lý, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Nhận định thời điểm cuối năm, khi mua sắm của người tiêu dùng vào giai đoạn cao điểm, lợi dụng nền tảng thương mại điện tử và dịch vụ chuyển phát nhanh, các đối tượng sẽ thực hiện các hành vi vi phạm về buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ...
Cục QLTT Quảng Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh về việc chấp hành các quy định của pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn những sản phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng. |
Cục Quản lý thị trường tỉnh đã triển khai đồng bộ các kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024.
Trong đó, Cục QLTT chủ động rà soát hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn, đánh giá nhận diện các phương thức, thủ đoạn lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới để đấu tranh, xử lý.
Cục QLTT Quảng Ninh tổ chức hội nghị thảo luận, trao đổi nâng cao nghiệp vụ đồng thời giải đáp các vướng mắc khó khăn trong triển khai nhiệm vụ liên quan tới lĩnh vực TMĐT. |
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử, ông Nguyễn Đình Hưng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh chia sẻ hiện việc kiểm tra, xử lý trên sàn thương mại điện tử còn gặp nhiều khó khăn do hàng hóa quảng cáo, rao bán là hình ảnh được chụp, cắt ghép từ nhiều nguồn, không có cơ sở xác định hình ảnh hàng hóa, sản phẩm hàng hóa là hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
"Các tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng lập và sử dụng nhiều tài khoản khác nhau để thực hiện việc kinh doanh hàng hóa trên các nền tảng mạng xã hội, như: Zalo, facebook, tiktok... Các hành động này gây khó khăn cho lực lượng QLTT trong công tác xác minh địa điểm, kho hàng... Mặt khác, chủ các gian hàng thường không có địa điểm kinh doanh cố định, có trường hợp hàng hóa không có tại điểm kinh doanh mà người bán chỉ đặt hàng từ địa chỉ mua bán khác khi người mua có yêu cầu. Một số đối tượng có địa điểm kinh doanh và kho hàng ngoài địa bàn tỉnh. Hàng hóa được phân tán, nhỏ lẻ, cất giấu ở nhiều nơi, thậm chí chỉ bán hàng qua cộng tác viên, trung gian.” - ông Hưng cho biết thêm.
Để làm tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là việc lợi dụng thương mại điện tử để vi phạm cần có sự vào cuộc của các ban, ngành, các lực lượng chức năng trong công tác phối hợp, chia sẻ thông tin, thẩm tra xác minh; kiểm tra, xử lý vi phạm kịp thời và đồng bộ. Góp phần lành mạnh hóa hoạt động thương mại điện tử, bảo vệ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính cũng như quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.