Quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm khu vực nhà nước
Nguồn: Dự thảo Luật Bảo hiễm xã hội (sửa đổi) Đồ họa: Văn Chung

Tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng toàn bộ quá trình

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu được tính theo tiền lương của một số năm cuối trước khi nghỉ hưu. Việc điều chỉnh tiền lương tháng đã đóng BHXH được điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại thời điểm nghỉ hưu.

Tuy nhiên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho rằng, quy định này sẽ không còn phù hợp khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Lý do là tiền lương có thể có những thay đổi đột biến, nên nếu tính lương hưu trên tiền lương của một số năm cuối có sự thay đổi đột biến là không phù hợp và phát sinh bất cập lớn giữa những người nghỉ hưu xung quanh khoảng thời gian trước và sau thời điểm cải cách.

Vì vậy, tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Bộ LĐTBXH đề xuất quy định về thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính cho đến khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, theo Nghị quyết số 27- NQ/TW.

Thời gian đóng BHXH từ khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang thực hiện tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ thời gian. Trường hợp trong quá trình đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, người lao động có khoảng thời gian đóng BHXH liền kề với bình quân tiền lương làm căn cứ đóng của thời gian này cao hơn bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của những năm cuối, thì người lao động được chọn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH liền kề tương ứng với số năm quy định để tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Theo đó, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có

Mức trợ cấp bảo hiểm xã hội

Thay vì quy định mức hưởng theo %, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi quy định cụ thể số tiền mức trợ cấp BHXH. Theo đó, mức trợ cấp 1 lần khi sinh con, nhận nuôi con nuôi là 3,6 triệu đồng/con; trợ cấp dưỡng sức sau thai sản là 540.000 đồng/ngày; trợ cấp mai táng là 14,9 triệu đồng…

toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của số năm đóng BHXH trước khi nghỉ hưu. Cụ thể: người bắt đầu tham gia BHXH trước ngày 1/1/1995 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu; tham gia trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1995 đến ngày 3/12/2000 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu; tham gia trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2001 đến ngày 3/12/2006 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu; tham gia trong khoảng từ ngày 1/1/2007 đến ngày 3/12/2015 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu; tham gia từ ngày 1/1/2016 đến ngày 3/12/2019 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu; tham gia từ ngày 1/1/2020 đến ngày 3/12/2024 thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu. Người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng BHXH.

Quy định trợ cấp bảo hiểm xã hội bằng mức tiền cụ thể

Theo định hướng cải cách chính sách tiền lương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp thì sẽ không còn “mức lương cơ sở”.

Trong khi đó, Luật BHXH năm 2014 quy định nhiều khoản trợ cấp gắn với “mức lương cơ sở” như: mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi; trợ cấp mai táng; trợ cấp tuất hàng tháng;...

Vì vậy, trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Bộ LĐTBXH đề xuất sửa đổi các trợ cấp gắn với mức lương cơ sở theo hướng quy định bằng số tiền cụ thể (bằng với mức tuyệt đối của hiện hành), đồng thời quy định các mức này được điều chỉnh khi Chính phủ điều chỉnh lương hưu và trợ cấp BHXH. Theo lý giải của Bộ LĐTBXH, điều này để vừa không gây xáo trộn “về mức” so với quy định hiện hành; đồng thời vừa phù hợp với định hướng cải cách chính sách tiền lương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, thuận lợi trong quá trình thực hiện.

Theo ông Nguyễn Duy Cường - Vụ Phó Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH): “Việc sửa các quy định gắn với tiền lương khu vực nhà nước bằng mức tiền cụ thể để phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương. Theo chủ trương, mức lương cơ sở sẽ loại bỏ, nên đề xuất mức tiền cụ thể sẽ phù hợp quá trình khi Luật BHXH được thông qua”.

Khoản trợ cấp BHXH theo dự thảo mới sẽ được Chính phủ điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp. Việc bỏ cách tính trợ cấp BHXH theo lương cơ sở được cho là để phù hợp với chính sách cải cách tiền lương, bãi bỏ lương cở sở trong tương lai...

Quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất

Tại dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Bộ LĐTBXH cũng đề xuất quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất.

Nghị quyết số 28-NQ/TW năm 2018 về cải cách BHXH quy định, sửa đổi quy định về căn cứ đóng BHXH của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động để khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ BHXH, ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động.

Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc năm 2022 của người lao động là 5,73 triệu đồng/tháng, chiếm khoảng 75% thu nhập bình quân của người lao động làm công, hưởng lương. Luật BHXH hiện hành chỉ có quy định về tiền lương/thu nhập làm căn cứ đóng BHXH cao nhất nhưng chưa có quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất. Mặc dù hiện nay, quy định về căn cứ đóng BHXH bắt buộc tương đối đầy đủ tại các văn bản quy định chi tiết luật. Tuy nhiên, do Luật BHXH quy định chung, chưa đủ rõ nên còn gặp khó khăn trong quá trình xây dựng các văn bản quy định chi tiết và quá trình triển khai trong thực tiễn.

Vì vậy, tại dự thảo Luật BHXH sửa đổi lần này, Bộ LĐTBXH đề xuất sửa đổi bổ sung tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố (cao nhất bằng 8 lần mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố). Đây là cơ sở quy định căn cứ đóng BHXH đối với những đối tượng không hưởng tiền lương (chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương;..), đặc biệt cũng là căn cứ để xác định trách nhiệm tham gia đối với đối tượng người lao động làm việc không trọn thời gian.

Về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với khu vực ngoài nhà nước cơ bản kế thừa quy định hiện hành, quy định cụ thể hơn theo hướng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương./.