Sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon bắt đầu với mối đe dọa xuống hạng Sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon sẽ buộc các ngân hàng trung ương ngừng tăng lãi suất

Tác động tâm lý là chủ yếu

Bình luận xung quanh việc đóng cửa ngân hàng lớn thứ 16 ở Hoa Kỳ SVB và sau đó là SB - ngân hàng lớn thứ 3 của Hoa Kỳ, ông Andrea Coppola - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, diễn biến ở Hoa Kỳ cho thấy đây là vấn đề mang tính toàn cầu.

Sau sự cố 2 ngân hàng lớn của Hoa Kỳ, chuyên gia khuyến nghị gì cho Việt Nam?
Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) đóng cửa hôm 10/3. Ảnh: The New York Times

Theo ông, sự việc của SVB và SB là vấn đề của việc không khớp nối liên quan tới kỳ hạn giữa nguồn vốn ngắn hạn và tài sản dài hạn, tức những trái phiếu mà các ngân hàng này đã có trên danh mục. Điều này dẫn tới những vấn đề về thanh khoản khi lãi suất trên thị trường hiện đang rất cao, các ngân hàng này không giải quyết được, phải bán tất cả trái phiếu và bị lỗ lớn.

“Điều đó tại sao lại xảy ra? Bởi vì công tác giám sát tài chính của Hoa Kỳ lẽ ra có thể hiệu quả hơn, lẽ ra có thể làm sớm hơn và không dẫn tới việc lệch pha về kỳ hạn như vậy”- ông Andrea phân tích.

Hiện tại SVB bị đóng cửa và đang nằm trong sự kiểm soát của cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC). Trong những ngày tới, SVB có thể được bán cho bất cứ ngân hàng nào khác ở Hoa Kỳ hoặc châu Âu, hoặc nếu không có ai mua ngân hàng này thì lúc đó mới bắt đầu thủ tục phá sản để thanh lý tài sản, trả nợ tiền gửi, các chủ nợ hay cổ đông.

Tuy hiện tại Việt Nam không có ngân hàng và doanh nghiệp nào có mối liên hệ trực tiếp với 2 ngân hàng SVB và SB, nhưng không phải vì vậy mà việc đóng cửa các ngân hàng ngày không có ảnh hưởng tới thị trường tài chính Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam, chuyên gia ngân hàng - TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, việc đóng cửa SVB và SB chủ yếu gây ra tác động tâm lý tới thị trường tài chính Việt Nam. Trước hết, nó tạo ra sự bất an không nhỏ cho người đầu tư, cũng như người gửi tiền tại các ngân hàng của Việt Nam. Hiện tại, tâm lý của những người gửi tiền vào ngân hàng và nhiều nhà đầu tư đang hoang mang trước thông tin từ vụ việc tại Mỹ.

Đồng thời, vụ việc này cũng đang có ảnh hưởng tới các ngân hàng của Việt Nam liên quan tới những quan ngại từ việc thanh khoản các trái phiếu, khi hiện các ngân hàng tại Việt Nam đang nắm giữ một số lượng trái phiếu không nhỏ, vào khoảng 300.000 tỷ đồng và nhiều trái phiếu trong số đó đã đến hạn hoặc sắp đến hạn trả nợ.

Giám sát tài chính hiệu quả giúp giảm thiểu rủi ro

Theo bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, tác động của việc đóng cửa 2 ngân hàng ở Hoa Kỳ sẽ tiếp tục được thấy rõ hơn trong những ngày tiếp theo và trong tuần tới. Điều này có thể dẫn đến nhiều biến động hơn trên thị trường tiền tệ và tài chính toàn cầu và đòi hỏi sự quan tâm sát sao cũng như hành động kịp thời của các nhà hoạch định chính sách trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Sau sự cố 2 ngân hàng lớn của Hoa Kỳ, chuyên gia khuyến nghị gì cho Việt Nam?
Sự cố tại Hoa Kỳ đặt ra yêu cầu giám sát hiệu quả hoạt động đối với khu vực ngân hàng tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Trả lời Thời báo Tài chính Việt Nam, ông Andrea Coppola cho biết, sự việc của 2 ngân hàng trên có một số điểm tương đồng với Việt Nam vào mùa thu năm ngoái, liên quan đến Ngân hàng SCB. Vụ việc tại Hoa Kỳ cho thấy tầm quan trọng của công tác giám sát hiệu quả hoạt động đối với khu vực ngân hàng.

“Ngân hàng Nhà nước trong mấy ngày qua chắc chắn đã nắm rõ vấn đề và những quan ngại liên quan. Tôi tin rằng, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị quỹ dự phòng để ứng phó như trong trường hợp tương tự đã xảy ra với ACB, Ngân hàng Việt Hoa cách đây mười mấy năm và với Ngân hàng SCB cách đây mấy tháng” - TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam, vị kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam nhấn mạnh: “Có thể thấy rằng, giám sát khu vực tài chính là rất quan trọng và đây là công cụ hiệu quả mà các cơ quan quản lý nhà nước có thể làm giảm thiểu rủi ro khu vực tài chính. Đối với Việt Nam và tất cả các quốc gia trên thế giới thì đây là vấn đề giám sát hiệu quả và hành động ngay lập tức, không để quá muộn. Nếu không, sẽ mang lại những hệ luỵ không phải chỉ là hậu quả đối với khu vực tài chính mà cho toàn bộ nền kinh tế và đối với tất cả mọi người”./.