thuy

Ông Nguyễn Văn Hà - Vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ NN&PTNT chia sẻ trong cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên TBTCVN.

* PV: Xin ông cho biết tình hình thực hiện tự chủ của các ĐVSNCL thuộc Bộ NN&PTNT?

- Ông Nguyễn Văn Hà: Triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các ĐVSNCL theo Nghị định số 141/2016/NĐ-CP (NĐ 141) và Nghị định số 54/2016/NĐ-CP của Chính phủ (NĐ 54), Bộ NN&PTNT đã tổng hợp phương án tự chủ của các ĐVSNCL trực thuộc Bộ gửi Bộ Tài chính. Đồng thời, ngày 26/12/2018, Bộ Tài chính đã có công văn số 16220/BTC-HCSN về việc giao tự chủ tài chính cho các ĐVSNCL; tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập thuộc Bộ NN&PTNT giai đoạn 2018 - 2020.

ha
Ông Nguyễn Văn Hà

Trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định phê duyệt Phương án tự chủ tài chính giai đoạn 2018 – 2020 cho 11/11 tổ chức khoa học và công nghệ tự đảm bảo một phần chi thường xuyên; 9 đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác, trong đó có 2 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và đầu tư, 2 đơn vị bảo đảm chi thường xuyên và 5 đơn vị do ngân sách nhà nước (NSNN) đảm bảo chi thường xuyên; còn 16 đơn vị sự nghiệp kinh tế giữa 2 bộ vừa thống nhất để phê duyệt phương án tự chủ trong tháng 4/2019 là đơn vị bảo đảm chi thường xuyên.

Trong quá trình thực hiện tự chủ của ĐVSNCL có một số thuận lợi là so với các đơn vị sự nghiệp giáo dục, đào tạo, dạy nghề, thông tin, báo chí thì đến thời điểm hiện tại, khung pháp lý hướng dẫn cho việc thực hiện cơ chế tự chủ cho khối các tổ chức khoa học và công nghệ, đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác đã khá hoàn chỉnh, nhờ đó hỗ trợ, thúc đẩy việc thực hiện tự chủ của ĐVSNCL thuộc Bộ NN&PTNT.

* PV: Trong quá trình thực hiện tự chủ của các ĐVSNCL thuộc Bộ NN&PTNT hiện nay có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

- Ông Nguyễn Văn Hà: Thực tế là công tác phổ biến, tuyên truyền về chủ trương chính sách đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với ĐVSNCL và khuyến khích xã hội hóa còn hạn chế, dẫn đến việc thực hiện và áp dụng các chính sách gặp nhiều khó khăn và không thống nhất. Bên cạnh đó, một số tổ chức, đơn vị nhận thức chưa đầy đủ, thiếu quyết liệt và đồng bộ trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Ngoài ra, cơ chế chính sách của Nhà nước còn thiếu đồng bộ. Ví dụ như Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ năm 2015, nhưng việc ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn ở các lĩnh vực chưa đồng bộ và còn chậm, nhiều nội dung chưa được hướng dẫn và hiểu một cách thống nhất. Đặc biệt, việc đổi mới cơ chế tự chủ tài chính các ĐVSNCL phải đồng bộ cả về đổi mới về tổ chức, về sắp xếp biên chế, nhiệm vụ được giao... từ đó việc đổi mới mới thực sự có ý nghĩa và hiệu quả. Cùng với đó, hiện các văn bản pháp luật của nhà nước liên quan đến quản lý đất đai đều quy định các tổ chức được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không được góp vốn bằng “Quyền sử dụng đất” để cho thuê, liên doanh liên kết, mà chỉ được sử dụng tài sản được giao, được đầu tư trên đất và các nguồn vốn hợp pháp của đơn vị để liên doanh, liên kết...

* PV: Thưa ông, để tập trung chuyển mạnh các ĐVSNCL sang tự chủ, thời gian tới Bộ NN&PTNT sẽ tập trung những giải pháp gì?

- Ông Nguyễn Văn Hà: Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung 5 giải pháp. Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến và thống nhất nhận thức trong các cấp quản lý và người lao động trong các ĐVSNCL về những nội dung đổi mới của NĐ 141 và NĐ 54.

Thứ hai, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL, Bộ phấn đấu giảm 2,5% số ĐVSNCL và 4% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN (cao hơn mức giảm 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN do Chính phủ giao) từ năm 2019.

Thứ ba, Bộ đẩy mạnh việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế kỹ thuật cho các dịch vụ sự nghiệp công (DVSNC) theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ban hành danh mục DVSNC sử dụng NSNN trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác của Bộ NN&PTNT và Quyết định 2099/QĐ-TTg ban hành danh mục DVSNC sử dụng NSNN thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ KH&CN, trên cơ sở đó xây dựng ban hành giá DVSNC theo quy định của pháp luật giá để đặt hàng cho các ĐVSNCL theo giá tính đủ chi phí.

Thứ tư, Bộ cũng đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế đặt hàng cung cấp các DVSNC gắn liền với nhu cầu sử dụng, với số lượng, chất lượng cụ thể để đảm bảo hiệu quả sử dụng NSNN, tránh lãng phí; có lộ trình cụ thể thực hiện cơ chế đấu thầu cung cấp DVSNC sử dụng NSNN để tạo điều kiện cho cơ sở ngoài công lập cùng tham gia cung cấp; giảm dần các sản phẩm, DVSNC sử dụng NSNN thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, giao kế hoạch.

Thứ năm, Bộ sẽ thực hiện tốt công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động của các ĐVSNCL đảm bảo chất lượng dịch vụ, kịp thời xử lý các vướng mắc và cập nhật, bổ sung các chính sách chế độ cho phù hợp với thực tiễn.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Hà Hạnh (thực hiện)