Coi trọng việc kiện toàn đội ngũ cán bộ

Trong suốt những năm qua, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính luôn đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ; luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác; kiểm soát quyền lực, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý cán bộ, trách nhiệm nêu gương; chống chạy chức, chạy quyền và phòng chống tham nhũng của công chức, viên chức Bộ Tài chính. Việc Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính ban hành Nghị quyết số 06-NQ/BCSĐ và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành chỉ thị về vấn đề này cho thấy sự kiên định của Bộ Tài chính về công tác này.

Trong nhiều năm qua, Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm đến công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Kết quả sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ Tài chính cho thấy hiệu quả bước đầu trong việc giảm bớt các tầng nấc trung gian, giảm các bộ phận quản lý nội ngành, tập trung nguồn lực cho bộ phận tác nghiệp trực tiếp. Từ đó, giảm số người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là cấp chi cục và cấp đội (chi cục trưởng, đội trưởng và tương đương), thay đổi phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật của ngành Tài chính.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ

Việc quản lý và sử dụng biên chế được thực hiện chặt chẽ, tập trung, thống nhất, phân bổ biên chế có nguyên tắc, linh hoạt trên cơ sở gắn với tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và phù hợp với quá trình cải cách, hiện đại hóa ngành Tài chính. Công tác tinh giản biên chế được triển khai nghiêm túc theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ, đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, có lộ trình và kế hoạch cụ thể.

Về sắp xếp, tổ chức lại bộ máy của cơ quan, đơn vị, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai tổ chức bộ máy nội bộ theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 và Nghị quyết số 19-NQ/TW 25/10/2017 nhằm phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng đơn vị theo hướng một việc chỉ giao một tổ chức chủ trì, chịu trách nhiệm chính đảm bảo cơ cấu tổ chức, bộ máy phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ quản lý ngành. Bộ Tài chính ban hành các văn bản về rà soát, hoàn thiện vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức. Kết quả sắp xếp các tổ chức, đơn vị hành chính lũy kế từ tháng 6/2017 đến cuối năm 2022 đã thực hiện cắt giảm trên 4.400 đầu mối đơn vị hành chính từ trung ương đến địa phương.

Về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, Bộ Tài chính tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, đảm bảo trình độ chuyên môn cao, nâng cao chất lượng, năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính nhằm đáp ứng yêu cầu đề ra. Bộ Tài chính đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn về công tác cán bộ để thống nhất thực hiện trong toàn ngành; tăng cường quản lý, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng công chức, viên chức và người lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của ngành...

Đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước

Được biết trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy của ngành Tài chính theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 56/2017/QH14, Kết luận số 34-KL/TW phù hợp với đặc thù và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của ngành. Đồng thời, rà soát và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, hoàn thiện mô hình Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực với quy mô phù hợp, tăng cường tính liên thông, thống nhất, thông suốt trong hoạt động quản lý của ngành Tài chính, đảm bảo một tổ chức có thể thực hiện nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính.

“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”

Sinh thời, Bác Hồ đã từng dạy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, do đó, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính luôn đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ và giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ. Với một đơn vị đa ngành, đa lĩnh vực và có nhiều cơ quan tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp, đây là việc làm cực kỳ cần thiết, để giữ trong sạch nội bộ ngành, coi việc phục vụ người dân và doanh nghiệp là mục đích cao nhất.

Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước phù hợp với khả năng tự chủ về tài chính của các đơn vị thuộc Bộ gắn với đề cao trách nhiệm của các đơn vị. Thực hiện giao biên chế, tinh giản biên chế được cấp có thẩm quyền giao.

Đối với công tác cải cách công vụ, Bộ tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý biên chế trên cơ sở xác định vị trí việc làm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; triển khai có hiệu quả quy định tại Nghị định số 62/2020/NĐ-CP của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức. Đồng thời, tăng cường phân cấp, giao trách nhiệm cho người đứng đầu các đơn vị chịu trách nhiệm trong việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện công vụ; tăng cường thanh tra, kiểm tra về công tác cán bộ; thực hiện việc tuyển dụng công chức, viên chức phù hợp với vị trí việc làm và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của từng đơn vị cụ thể. Việc tuyển dụng phải thực sự khách quan, công tâm, thực hiện cơ chế thu hút người có tài, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc theo các quy định của Đảng và Nhà nước.

* Ông Trần Quân - Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước:

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi công vụ

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ
Ông Trần Quân

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/BCSĐ của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính và Chỉ thị số 01/CT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã ban hành Công văn số 1306/KBNN-TCCB quán triệt các đơn vị trong hệ thống KBNN nghiêm túc thực hiện các quy định.

Yêu cầu các cấp ủy đảng và thủ trưởng các đơn vị trong toàn hệ thống triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm công chức, viên chức vi phạm quy chế, quy trình nghiệp vụ, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Cùng với đó, các đơn vị phải đẩy mạnh công tác luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức; đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch và phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng đơn vị. Làm tốt công tác tư tưởng để công chức, viên chức xác định công tác luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác là quy định bắt buộc, được thực hiện thường xuyên. Tăng cường kiểm soát quyền lực, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi công vụ, đặc biệt là trong công tác quản lý cán bộ.

Thực hiện đúng các quy định về phân cấp, phân quyền; công khai, minh bạch các quy định liên quan đến công tác quản lý cán bộ, nhất là trong việc tuyển dụng, tiếp nhận, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, đánh giá, nâng ngạch, kiên quyết không để xảy ra sai phạm, tiêu cực. Các cấp ủy đảng, người đứng đầu các đơn vị KBNN nêu cao tinh thần gương mẫu trong lời nói, hành động; nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc; phát huy đoàn kết nội bộ, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.Vân Hà (ghi)

* Ông Dương Văn Hùng - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục Thuế):

Luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác hạn chế tối đa tiêu cực

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ
Ông Dương Văn Hùng

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/BCSĐ ngày 1/3/2023 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính về việc tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đẩy mạnh việc luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác theo đúng quy định để hạn chế tối đa tiêu cực có thể xảy ra.

Đối với những công chức vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng; cố tình gây khó khăn phiền hà cho người nộp thuế, nếu chưa đến mức xử lý kỷ luật buộc thôi việc thì đơn vị không được bố trí ở các bộ phận: Tổ chức cán bộ, kiểm tra nội bộ, tài vụ quản trị, bộ phận trực tiếp tiếp xúc với người nộp thuế trong thời hạn tối thiểu là 5 năm.

Ngành Thuế cũng đẩy mạnh việc đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cũng như phẩm chất đạo đức của công chức. Đồng thời, chú trọng kiểm tra, giám sát công chức trong thực thi công vụ, kiên quyết xử lý nghiêm minh các vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của ngành. Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cũng như kiểm tra, giám sát đối với công chức làm việc tại các chức năng quản lý thuế cơ bản và bộ phận thường xuyên tiếp xúc với người nộp thuế.

Phát động phong trào thi đua, phấn đấu rèn luyện, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tính sáng tạo, sáng kiến, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ cương, kỷ luật, thái độ ứng xử, phong cách làm việc của công chức thuế trong quá trình thực thi công vụ và tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp trên cơ sở bám sát chủ đề, khẩu hiệu thi đua năm 2023 của ngành: Kỷ cương, trách nhiệm - đổi mới, sáng tạo - kịp thời, hiệu quả - thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác thuế năm 2023…