PV: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa nâng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm cơ bản, mức tăng cao nhất kể từ năm 1994, nhằm thắt chặt chính sách tiền tệ trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ tăng cao. Theo ông, việc FED tăng lãi suất để kìm lạm phát sẽ ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam?

Tác động từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất tới kinh tế Việt Nam: “Trong nguy có cơ”
TS. Phạm Công Hiệp

TS. Phạm Công Hiệp: Tôi cho rằng, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hệ thống tài chính và nền kinh tế của Việt Nam, vì Việt Nam là quốc gia có độ mở kinh tế rất lớn với kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm gần 200% GDP trong năm 2021. Trong đó, Mỹ là đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam, chiếm đến gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021, đạt gần 93,6 tỷ USD. Do vậy, thay đổi về chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ tác động trực tiếp và nhanh chóng đến hoạt động xuất nhập khẩu, trả nợ nước ngoài và đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Việc FED tăng mạnh lãi suất thể hiện xu hướng tăng lãi suất của ngân hàng trung ương tại các nước lớn trên thế giới nhằm kiểm soát lạm phát. Điều này sẽ dẫn đến thắt chặt nguồn vốn vay trong và ngoài, giảm đầu tư doanh nghiệp và chi tiêu cá nhân. Động thái của FED sẽ khiến chi phí vay vốn và trả nợ nước ngoài có xu hướng tăng, gây áp lực lên Chính phủ và doanh nghiệp trong nước. Theo số liệu của Bộ Tài chính công bố tới tháng 3/2022, tổng nợ vay nước ngoài của Việt Nam là 112,6 tỷ USD trong năm 2020, trong đó nợ chính phủ chiếm 3,1% và của doanh nghiệp là 96,9%, chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Ngoài ra, việc tăng lãi suất của FED cũng thu hút các nhà đầu tư rút tiền ở các thị trường mới nổi còn nhiều rủi ro như Việt Nam quay về đầu tư tại Mỹ, hoặc các thị trường phát triển khác nhằm giảm thiểu rủi ro và hưởng lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, xu hướng thoát vốn của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chưa rõ rệt. Hai tháng gần đây, khi thị trường chứng khoán Việt Nam có sự sụt giảm rõ rệt về giá và quy mô giao dịch, khối ngoại vẫn có xu hướng mua ròng trong khi các nhà đầu tư trong nước có xu hướng bán ròng nhiều hơn.

Xuất khẩu Việt Nam sẽ ảnh hưởng từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất.
Xuất khẩu Việt Nam sẽ ảnh hưởng từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất.

PV: Người Việt thường có câu “trong nguy có cơ”. Trong trường hợp này, theo ông, liệu có cơ hội nào mà Việt Nam có thể nắm bắt?

TS. Phạm Công Hiệp: Ở góc độ lạc quan, việc FED tăng lãi suất sẽ giúp đồng USD có thể mạnh lên trong dài hạn, tỷ giá có khả năng tăng lên sẽ làm cho hàng hóa của Việt Nam rẻ hơn so với trước và góp phần thúc đẩy xuất khẩu. Vậy nên, việc cho phép VND giảm giá tương đối so với đồng USD trong thời điểm hiện tại cũng sẽ là một lợi thế cho việc thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, cũng không nên đẩy mạnh giảm giá quá, vì sẽ ảnh hưởng đến các yếu tố vĩ mô và khả năng trả nợ nước ngoài của Việt Nam.

Ngoài ra, việc rút mạnh tiền từ lưu thông sẽ làm ảnh hưởng đến các kênh tài sản tài chính như chứng khoán, bất động sản cũng như sẽ làm lãi suất ngân hàng gia tăng trong thời gian tới và dòng tiền sẽ bắt đầu chảy từ các kênh tài sản rủi ro sang các kênh an toàn như là gửi tiết kiệm ngân hàng để hưởng lãi suất cao và an toàn hơn. Thị trường chứng khoán Việt Nam trong hai tháng gần đây đã có đợt giảm điểm mạnh, kéo mặt bằng giá hầu hết mã cổ phiếu về mức hấp dẫn so với thời gian trước đây và so với mặt bằng trong khu vực. Theo Reuters, tỷ lệ P/E dự báo 12 tháng của VN-Index vào đầu tháng 3/2022 đạt khoảng 13,3 lần, thấp hơn mức từ 16 - 17 lần tại các thị trường khu vực ASEAN. Điều này sẽ thu hút dòng vốn ngoại đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam và phần nào giảm thiểu tác động tăng lãi suất của FED.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Việt Nam cũng đón nhận dòng vốn từ các nước lân cận, đặc biệt là Singapore và Thái Lan, hiện là hai nhà đầu tư lớn thứ 2 và 8 của Việt Nam và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Tính đến giữa năm 2022, các doanh nghiệp Singapore đã đầu tư trên 67,5 tỷ USD và Thái Lan đã đầu tư 13,1 tỷ USD vào Việt Nam. Vậy nên, các chính sách đa dạng hóa thị trường và thu hút vốn đầu tư từ các nước lân cận cần được tiếp tục đẩy mạnh và phát huy tác dụng trong thời gian tới.

Theo đánh giá, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ làm tăng lãi suất cho vay (bằng đồng USD) từ đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân, cũng như làm suy yếu nhu cầu mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp. Do đó, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ chậm lại trong những quý tới do người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt như Mỹ và châu Âu thắt chặt chi tiêu.

PV: Theo ông, Việt Nam có thể làm gì để có thể chống chọi với các tác động từ việc FED tăng lãi suất cao như vậy? Ông có khuyến nghị chính sách gì cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam để có thể thực hiện “mục tiêu kép” - vừa đảm bảo hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, vừa đảm bảo các cân đối vĩ mô trong bối cảnh tác động từ việc tăng lãi suất cao của FED?

TS. Phạm Công Hiệp: Trong ngắn hạn, tôi mong chờ xem động thái tiếp theo của các nhà hoạch định chính sách là gì - liệu có tiếp tục neo giữ tỷ giá hay là cho phép VND giảm giá tương đối so với USD? Nếu như tiếp tục neo giữ thì khả năng là sẽ ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu, còn việc linh hoạt điều chỉnh tỷ giá VND cho phù hợp thì sẽ không gây ảnh hưởng nhiều. Trong ngắn hạn, vẫn cần phải tập trung điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt trong việc cân đối về tỷ giá, lãi suất điều hành để tránh tiền đồng bị mất giá quá nhiều, nhưng vẫn đảm bảo lợi thế về xuất khẩu.

Về thu hút dòng vốn đầu tư thì ổn định kinh tế và chính trị chính là chìa khóa. Nếu như tỷ giá ổn định và lãi suất thực của Việt Nam vẫn cao hơn Mỹ, thì có thể giữ chân được dòng vốn đầu tư nước ngoài ở trong nước, còn nếu tình huống đảo ngược lại thì dòng tiền này sẽ đổ về Mỹ để nhận mức lãi suất cao và an toàn hơn.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiến hành điều tiết giá các mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý như xăng dầu, điện, dịch vụ y tế và giáo dục, nhằm giúp giảm thiểu lạm phát và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hầu hết người dân có thu nhập thấp và nhạy cảm nhất về tác động của lạm phát.

Ngoài ra, cũng cần truyền thông cho người dân và doanh nghiệp hiểu rõ, việc giảm giá đồng nội tệ trong một khuôn khổ nhất định là tốt cho nền kinh tế, để tránh tâm lý hoang mang dẫn đến việc đầu cơ tích trữ đồng USD càng làm cho tình hình nghiêm trọng hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Dư địa duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng ngày càng thu hẹp

Việt Nam đang trong quá trình phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, nên chính sách tiền tệ cần được duy trì trạng thái nới lỏng để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với việc FED đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, dư địa để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng đang ngày càng thu hẹp.

Mặc dù vậy, theo nhận định của các chuyên gia đến từ VnDirect, Ngân hàng Nhà nước sẽ nỗ lực duy trì chính sách tiền tệ phù hợp, chưa thắt chặt ngay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và ổn định thị trường. Ngoài ra, cầu trong nước vẫn yếu và chưa phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch và Ngân hàng Nhà nước vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi. Đối với lãi suất điều hành, nếu có bất kỳ đợt tăng nào trong năm nay thì khả năng cao sẽ diễn ra vào quý IV/2022 và mức tăng (nếu có) sẽ hạn chế, khoảng 0,25 - 0,5%. Ngân hàng Nhà nước sẽ cho phép tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức cao để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Dòng vốn tín dụng sẽ được ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp, xuất nhập khẩu, nông, lâm, thủy sản.